Ông K' Tơng ở Thôn 5, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai được người dân địa phương ví như một người thầy không bục giảng. Đôi chân của ông rong ruổi khắp các xã, thị trấn trong huyện để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ; làm giám khảo cho nhiều cuộc thi cồng chiêng ở địa phương.
Nghệ nhân K’Tơng (bên phải) luôn cố công lưu giữ tiếng chiêng cho đại ngàn mãi ngân xa |
Ông Trần Tân - Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Đạ Huoai khẳng định rằng, với tuổi đời như ông K’Tơng thì địa phương còn rất ít nghệ nhân rong ruổi cùng cồng chiêng như vậy. Ông đã tích cực lưu giữ và truyền dạy cồng chiêng trong một thời gian dài, rất nhiều người ở các lứa tuổi đã được ông truyền dạy, trở thành những người chơi cồng chiêng thuần thục.
Ở tuổi 76, ông K’Tơng vẫn khá minh mẫn và đôi tay nhanh nhẹn trong từng vũ điệu cồng chiêng. Già K’Tơng sống hòa hợp với thiên nhiên, núi rừng, miệt mài lưu giữ nét văn hóa tốt đẹp mà cha ông để lại.
Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá được các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền bao đời nay. Cũng như nhiều người ở thế hệ trước, ông K’Tơng biết chơi cồng chiêng, đánh từng điệu đón khách, mừng lúa mới, mừng nhà mới, lạy tạ thần linh... từ hồi 15, 16 tuổi. Thời niên thiếu, ông đã theo cha mẹ, ông bà rền vang tiếng chiêng trong những tiệc, lễ; để rồi từng làn điệu cứ mãi ngân vang cho đến bây giờ.
Hiện, ông K’Tơng vẫn còn lưu giữ dàn chiêng 6 chiếc từ cha ông mình để lại. Có nhiều người ngã giá vì biết đó là chiêng cổ nhưng gia đình không đồng ý. Ông K’Tơng xúc động: “Bán thì được, dễ lắm nhưng mua lại thì biết ở đâu; của cha ông truyền lại cho con cháu sao đành lòng mua bán, đổi chác. Nhiều lúc gia đình gặp khó khăn nhưng sao có thể để bộ chiêng rời khỏi tay mình, rời khỏi núi rừng được”.
Có nghề, có chiêng nhưng không giữ cho riêng mình. Dấu chân của ông K’Tơng in hằn các xã Đoàn Kết, Đạ Ploa, Phước Lộc, thị trấn Đạ Mri, thị trấn Mađaguôi… để dạy cho thế hệ trẻ. Không phấn trắng, không bảng đen mà bắt tay chỉ nhịp đã giúp ông trở thành người thầy “không bục giảng” trong nhiều năm qua. Hiện nay, tại các xã, thị trấn của huyện Đạ Huoai đều có các đội cồng chiêng, khá nhiều thành viên từng là học trò của ông K’Tơng.
Mỗi lớp cồng chiêng do các xã, thị trấn mở, ông K’Tơng đều đảm nhận vai trò người thầy với khoảng 14 học viên là nam thanh nữ tú của núi rừng. Ông K’Tơng bắt đầu dạy cồng chiêng khi tuổi đã 65, nghĩa là ông đã có hơn 10 năm làm người thầy “không bục giảng” cùng cồng chiêng. Đến nay, ông vẫn đi, vẫn miệt mài truyền dạy, vẫn sống cùng tiếng chiêng giữa đại ngàn cùng con cháu.
Ông K’Tơng cho biết thêm: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào DTTS được nâng cao; cùng với đó, văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS luôn được giữ gìn và phát huy. Nhờ các lớp truyền dạy cồng chiêng ở địa phương mà tôi được phát huy khả năng của mình, sống mãi với tiếng chiêng, hòa nhịp cùng thế hệ trẻ”.
Không chỉ truyền dạy cồng chiêng, ông K’Tơng còn được các xã, thị trấn và UBND huyện Đạ Huoai mời làm giám khảo chấm thi cho nhiều hội thi cồng chiêng tại địa phương.
Đối với xã Đạ P’Loa, địa phương mà ông K’Tơng sinh sống thì Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Tuyến cho biết, gia đình ông có đến 3 người là thành viên của đội cồng chiêng gồm ông K’Tơng và hai con trai là K’Tồi và K’Tim. Các thành viên luôn nhiệt tình trong tập luyện, biểu diễn, là gương sáng lưu giữ truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS.
Anh K’Tồi (sinh năm 1985) cho hay, việc học và đánh chiêng được cha anh truyền dạy. Là con của nghệ nhân K’Tơng nên anh rất vinh dự, càng tự hào hơn khi trong gia đình 3 cha con cùng hòa âm với đội cồng chiêng, cùng bắt nhịp gắn bó, đoàn kết trong những lễ hội do địa phương tổ chức, ngày vui của buôn làng.
Cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của đồng bào DTTS Tây Nguyên. Thanh âm khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng. Để tiếng chiêng sống mãi cùng đất trời và con người miệt Nam Tây Nguyên thì những người lưu giữ và truyền dạy như ông K’Tơng là “báu vật” của đại ngàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin