Đã có nhiều thế hệ học sinh được các thầy cô dang rộng vòng tay nhân ái đón nhận, nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ nay đã lớn lên, học tập, trưởng thành trong xã hội và trở về thăm “mái nhà” Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh với sự tri ân sâu sắc. Các em là tấm gương sinh động giúp các thế hệ học viên nơi đây tiếp tục thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống và phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.
Các đối tượng bảo trợ xã hội đã hồi gia tặng quà tri ân Ban lãnh đạo và thầy cô Trung tâm Bảo trợ xã hội qua các thời kỳ. |
Tôi tình cờ gặp em Nguyễn Thị Vân Anh - nhân viên công tác xã hội tại Tổ chức Saigonchildren trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Em làm việc với sứ mệnh “Giúp trẻ em và thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam phát triển hết tiềm năng của mình thông qua nền tảng giáo dục chất lượng và phù hợp với nhu cầu”.
Trước đó, vào giai đoạn 1994-2003, Vân Anh là một đứa trẻ được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đón về và nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Từ đó, em là một thành viên thân thiết của mái nhà này trong vòng tay yêu thương của các thầy cô và các thành viên là nhiều đối tượng đặc biệt khó khăn khác.
Nơi đây, hầu hết các em đều là trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh rất đặc biệt và vì nhiều lý do gia cảnh khác nữa... Các em có cơ duyên được hội tụ, vui sống, học tập dưới mái trường thân yêu là Trung tâm Bảo trợ. Khi thơ bé, các em được các cô nhân viên Trung tâm tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Lớn lên chút, các em được đến trường học tại Đà Lạt như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Đặc biệt, ngay tại Trung tâm, các em được học rất nhiều thứ, từ việc chào hỏi lễ phép, cách xưng hô, giao tiếp lịch sự, giữ gìn vệ sinh, kỷ luật kỷ cương, đến việc được đào tạo học nghề, học nữ công gia chánh, học đàn, vẽ và học làm nghề may công nghiệp, may gia công, học đan móc len, kéo len...; các bạn nam thì được học võ thuật, cờ vua, cờ tướng, chơi thể thao...
Vân Anh là một trong số gần 500 trẻ đã hồi gia trở về thăm mái nhà Trung tâm Bảo trợ đúng dịp 30 năm thành lập, em bồi hồi xúc động chia sẻ: “Từ một đứa trẻ kém may mắn, em đã thật hạnh phúc khi được các thầy cô của Trung tâm dang rộng vòng tay nhân ái đón nhận, nuôi dưỡng và dạy dỗ nên người. Đã có rất nhiều bạn lớn lên, trưởng thành và thành đạt ở nhiều vị trí công việc khác nhau và cả ở nước ngoài, trong đó có em. Em thật biết ơn vô cùng vì chính nơi đây đã là điểm tựa, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn chúng em”.
Tôi thật sự xúc động khi cảm nhận hình ảnh ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội dìu một bà cụ từ sân khấu bước xuống sau khi chia sẻ cảm xúc được vui sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng hơn 23 năm qua. Cụ là Nguyễn Thị Thái, chia sẻ: “Tôi xuất phát điểm là một người không quê hương, gia đình, không có bà con, anh em thân thiết, không nhà cửa, không cái ăn, cái mặc mà được các cô chú đón về Trung tâm. Suốt hơn 23 năm qua, tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được sống tại nơi đây như là mái nhà thứ hai của tôi. Nơi đây tôi được trao tình yêu thương, được vui sống, sinh hoạt, ăn uống đủ đầy. Khi ốm đau, tôi được đưa đến bệnh viện chăm sóc thuốc men kịp thời. Sống tại Trung tâm, tôi lại có bạn bè cùng cảnh ngộ nên rất hiểu và cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ lẫn nhau”.
Ông Trần Văn Kết chia sẻ” “Là người làm công tác xã hội đòi hỏi nhiều yếu tố rất đặc biệt, như cụ Thái đã là người lâu năm và thân thiết của Trung tâm. Mỗi khi ghé thăm, cụ lại nhắc 7 ngày nay chú mới tới tôi nha. Điều đó thể hiện sự ngóng trông và mong đợi của người già. Tôi thật xúc động và coi họ như người thân của mình. Cả tập thể lãnh đạo và nhân viên Trung tâm nhiều thế hệ 30 năm qua đều như thế, phải có một tấm lòng nhân văn, trái tim nhân hậu và sự yêu thương hết mực đối tượng kém may mắn thì mới hoàn thành được sứ mệnh của mình với Nhà nước. Tôi luôn bày tỏ lòng tri ân với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân... đã luôn quan tâm, hỗ trợ, dành nhiều món quà đặc biệt có ý nghĩa để giúp chúng tôi tiếp tục có điều kiện chăm lo tốt nhất cho hàng trăm đối tượng kém may mắn trong xã hội. Họ đã và luôn rất cần sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin