Công đoàn cơ sở giữ vai trò quan trọng đối với người lao động (NLĐ), là một tổ chức không thể thiếu để đứng giữa mối quan hệ của NLĐ và người sử dụng lao động. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, hài hòa mối quan hệ này để cùng phát triển, giữ ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Văn nghệ chào mừng lễ phát động Tháng Công nhân năm 2023 tại Lâm Đồng |
Công đoàn cơ sở (CĐCS) không chỉ là nơi để sinh hoạt mà còn là nơi giải quyết những khúc mắc của NLĐ với doanh nghiệp, như tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc tổ chức bữa ăn ca, chế độ phúc lợi cho NLĐ; về môi trường làm việc, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ; hệ thống bảo hộ sức khỏe và trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động theo đúng công việc cho NLĐ. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ NLĐ khó khăn để hỗ trợ NLĐ cải thiện cuộc sống; hàng năm mở rộng và nâng cao chất lượng Chương trình “Tết sum vầy”, hoạt động “Tháng Công nhân” nhằm thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ; diễn đàn đối thoại “Doanh nghiệp vì NLĐ, NLĐ vì doanh nghiệp”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”, kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề NLĐ quan tâm, bức xúc. CĐCS tại các doanh nghiệp ngày càng phát huy vai trò tổ chức Công đoàn, quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của NLĐ được nâng lên; tiền lương, môi trường lao động được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của NLĐ.
Tổ chức CĐCS đã tích cực, chủ động phối hợp chính quyền, doanh nghiệp thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, đại diện cho NLĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, đôn đốc doanh nghiệp mua Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng chương trình định kỳ khám sức khỏe hàng năm cho NLĐ; là nơi giải quyết những khúc mắc của NLĐ với doanh nghiệp và tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc bảo đảm các lợi ích chính đáng của NLĐ, tạo niềm tin, sự gắn bó giữa doanh nghiệp và NLĐ.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt. Ảnh: Hoàng Sa |
Trong những năm qua, Công đoàn đã giúp đỡ NLĐ trong hoạt động ký kết hợp đồng lao động, tư vấn cho NLĐ biết quyền và nghĩa vụ của NLĐ trong hợp đồng mà họ ký kết, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Riêng năm 2022, các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 64 phiên giao dịch việc làm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử, giải quyết việc làm cho hơn 25.500 lao động, tăng 2.000 lao động so với cùng kỳ. Qua đó giúp NLĐ tránh rủi ro pháp lý khi không nắm được nội dung hợp đồng mà vi phạm.
CĐCS tham gia hỗ trợ khi doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại lao động, nhân sự hoặc cải tiến đầu tư, công nghệ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; có thể thay chủ doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; phản ảnh ý kiến động viên, khuyến khích NLĐ tự giác, có ý thức trong lao động, sản xuất qua đó giúp doanh nghiệp trong việc sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực, cũng như chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
CĐCS hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể; trong trường hợp xảy ra tranh chấp như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công thì CĐCS sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của NLĐ với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập, trung gian giải quyết tranh chấp lao động, hạn chế người lao động tự ý bỏ việc. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn giúp doanh nghiệp giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ của NLĐ, từ đó sẽ hạn chế cao tai nạn lao động, bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, thỏa ước lao động.
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, công đoàn đã đa dạng hóa bằng nhiều hình thức thông qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, điển hình như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; NLĐ có những sáng kiến, sáng tạo, giải pháp làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh luôn đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút NLĐ trong các thành phần kinh tế, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; quan tâm đoàn kết, tập hợp NLĐ người dân tộc thiểu số, người có đạo bằng những hình thức phù hợp, thiết thực để người lao động tự nguyện tham gia, thành lập công đoàn cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 69 CĐCS trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và kết nạp mới hơn 7.600 đoàn viên...
Nhận thấy hiệu quả của tổ chức Công đoàn với hoạt động của doanh nghiệp, người sử dụng lao động chủ động hợp tác cùng tổ chức Công đoàn để thành lập các CĐCS. Tổ chức Công đoàn phát động phong trào thi đua và tập trung nguồn lực vào khu vực ngoài nhà nước, quyết tâm không để khoảng trống, khoảng trắng chưa có công đoàn ở những địa bàn trọng điểm, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hướng dẫn hoạt động của các CĐCS mới được thành lập, đảm bảo tuân thủ pháp luật, đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam và phát huy hiệu quả, nhất là trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Đồng thời, phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thực hiện các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho NLĐ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin