Hai năm trở lại đây, cứ vào ngày Chủ Nhật hàng tuần, bếp ăn 0 đồng do anh Tô Ngọc Thanh Dũng khởi xướng đặt tại 25, đường Cù Chính Lan, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng luôn đỏ lửa nấu những bữa cơm đầy ắp tình người.
Anh Tô Ngọc Thanh Dũng cùng với mọi người chia từng phần cơm để trao cho những hoàn cảnh không may |
Bếp ăn thường hoạt động vào Chủ Nhật mỗi tuần, nhưng hôm chúng tôi ghé lại không phải Chủ Nhật, mà hôm đó là ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch và bếp đang nấu cơm chay. Vừa nhanh tay đảo thức ăn trên bếp, anh Tô Ngọc Thanh Dũng vừa cho biết: “Nay là ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, có người phát tâm nên bếp nấu 300 suất cơm chay để trao cho bà con”.
Nói về lý do ra đời của bếp ăn 0 đồng, anh Tô Ngọc Thanh Dũng chia sẻ thêm, trước đây, anh có đi làm tại một quán ốc, nên chủ yếu chỉ biết nấu các món về ốc. Trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19, anh tham gia nấu ăn tại khu cách ly của huyện 4 tháng, có lên mạng học nấu thêm các món ăn. Sau khi từ khu cách ly về, khi gặp những người bán vé số, những hoàn cảnh khó khăn, lúc đó, anh thầm nghĩ “Tại sao mình lại không tổ chức một bếp ăn 0 đồng, để chia sẻ phần nào với những người bán vé số, hay những hoàn cảnh không may trong cuộc sống?”. Nghĩ là làm, anh đã quyết định đứng ra tổ chức bếp ăn 0 đồng và duy trì cho đến nay.
Thời gian đầu khi bếp mới đi vào hoạt động, anh Dũng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên, anh Dũng kể, đó là tiền để duy trì hoạt động của bếp mỗi Chủ Nhật hàng tuần; khó khăn nữa là khi nấu ra rồi thì lại không biết làm cách nào để trao cho những hoàn cảnh thật sự khó khăn. “Lúc đầu khi đi xin rau, củ, các nguyên vật liệu để duy trì bếp, mọi người không cho, vì không biết mình là ai, một thời gian sau này, khi mọi người biết đến hoạt động của bếp thì lúc đó, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, từ rau, củ, mắm muối, gia vị, gạo... Trong suốt thời gian bếp đỏ lửa, tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm như vựa rau Liên Trung, Nguyệt, Xanh rau, cô Vy bán củ cải, chị Phượng, chị Thiệp... Rồi như quán cháo Cây Thị vào mỗi Chủ Nhật cuối tháng cũng góp thêm 40 suất cháo...”, - anh Dũng chia sẻ.
Cùng với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, bếp ăn 0 đồng còn nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Mỗi Chủ Nhật hàng tuần, thường có từ 10-15 thành viên hỗ trợ anh Dũng tất cả các khâu, từ sơ chế rau, củ, nấu cơm, chia từng suất cơm vào hộp và phân phát các phần cơm đến với mọi người. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Vân, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng. Chị Vân cũng là người gắn bó với bếp ăn 0 đồng này từ những ngày đầu mới thành lập cho đến nay. Vừa nhanh tay xới cơm vào từng hộp, chị Vân vừa cho biết: “Tôi đi dạy nên vào Chủ Nhật hàng tuần cũng có thời gian rảnh nên tranh thủ đến đến phụ với mọi người; riêng hôm nay vì là đang hè nên tôi cũng có thời gian rảnh. Ngoài tham gia với mọi người ở bếp ăn 0 đồng, khi có thời gian rảnh, tôi cũng tham gia các hoạt động thiện nguyện khác”. Hay như đó là vợ chồng anh Trần Kim Nam và chị Nguyễn Thị Thu Vân. Anh Nam cho biết: “Vợ chồng tôi biết đến bếp ăn 0 đồng cũng rất tình cờ, như một chữ duyên, đó là trong một lần lướt facebook, thấy anh Dũng đăng bài nói về bếp ăn 0 đồng này, vậy là 2 vợ chồng cùng tìm hiểu và gắn bó với bếp ăn từ tháng 3 năm ngoái đến nay. Vợ chồng tôi cùng làm tại Trạm thủy văn, công việc thường làm theo ca, cũng không bó buộc thời gian nên cũng tranh thủ được thời gian để đến đây phụ với mọi người tại bếp. Khi các phần ăn được phân chia xong xuôi, tôi sẽ tiếp tục đi trao tận tay cho những hoàn cảnh khó khăn nhưng ốm yếu, không đi lại được”. Đó cũng có thể là chị Lê Thị Ngọc Thư, kinh doanh spa trên địa bàn. Chị Thư cho biết, chị ở Sài Gòn 20 năm, mới về đây ở khoảng 2 năm nay. “Sau khi chuyển về đây, khi công việc, nhà cửa ổn định, tôi mới nghĩ, trước ở Sài Gòn mình thường tham gia các hoạt động thiện nguyện, nên khi về đây, mình cũng muốn tiếp tục các hoạt động này. Sau khi hỏi thăm mọi người, được giới thiệu, tôi biết đến bếp ăn 0 đồng do Dũng khởi xướng và gắn bó từ đầu năm đến nay”.
Mỗi lần đỏ lửa, bếp ăn 0 đồng thường nấu từ 250-300 suất ăn; những suất ăn này sẽ được trao cho các bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng; trao tận tay những người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thể đến trực tiếp tại bếp để lấy và cả những người bán vé số, mua ve chai, người già neo đơn... Ngoài thời gian dành cho bếp ăn 0 đồng, anh Dũng còn dành thời gian đi xin rau, củ gửi đi cho các bếp ăn 0 đồng tại Bảo Lộc, Cát Tiên; tổ chức các chuyến thiện nguyện tại các trại trẻ mồ côi ở Gia Bắc (Di Linh), Cát Tiên, Bác Ái (Ninh Thuận), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)... “Khi làm tất cả những việc này, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc vì mình đã chia sẻ yêu thương đến với mọi người. Nhưng nếu không có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người, thì một mình tôi sẽ không thể nào làm được”, anh Dũng cười nói thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin