Đã có nghĩa trang của người không nơi nương tựa

HÀ NGUYỆT 05:54, 07/08/2023

Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, một khu nghĩa trang khang trang dành cho những người già không nơi nương tựa đã được hoàn tất đi vào sử dụng. Đây là một tin vui và là nỗi trăn trở của những người làm công tác xã hội nhiều năm qua. Điều này đã giúp những số phận kém may mắn khi tuổi già, sức yếu, khi rời cõi tạm được an yên hơn. 

Khu mộ đã khang trang, sạch đẹp hơn sau khi được tu sửa, tôn tạo
Khu mộ đã khang trang, sạch đẹp hơn sau khi được tu sửa, tôn tạo

Một buổi chiều muộn của tháng 7 - tháng của tri ân và tỏ lòng hiếu đạo, tôi có dịp cùng lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng ghé thăm và viếng mộ những người già không nơi nương tựa tại Nghĩa trang Thánh Mẫu (Phường 7, TP Đà Lạt). Nhặt từng nhánh cây khô và cỏ dại còn vương trên phần mộ của một người không nơi nương tựa có ghi đầy đủ ngày mất và họ tên, ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nói: Từ những phần mộ xuống cấp, giờ đây các phần mộ của các đối tượng người già không nơi nương tựa đã được khang trang, sạch đẹp như thế này, anh em làm công tác xã hội tại Trung tâm chúng tôi cũng thấy an lòng. Bởi khi sống, họ được Nhà nước chăm lo, nhưng khi chết lại chưa có quy định về chế độ chính sách chăm sóc phần mộ. Nhưng nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng nên hiện nay khu Nghĩa trang dành cho các đối tượng người già không nơi nương tựa đã khang trang hơn... Tại Trung tâm, chúng tôi với tấm lòng và trách nhiệm đã lập bàn thờ tưởng nhớ hương linh các cụ, coi như nghĩa cử làm ấm lòng hương linh những người không nơi nương tựa.

Ông Trần Văn Kết cho biết thêm, trước khi Đà Lạt có đài hỏa táng hóa thân hoàn vũ, người mất đều đưa về Nghĩa trang Thánh Mẫu. Sau khi người già không nơi nương tựa qua đời, không có khoản kinh phí nào để chăm sóc phần mộ hết. Đến năm 2020, tôi được tổ chức phân công về nhận nhiệm vụ Giám đốc tại Trung tâm và nhận thấy các phần mộ đã xuống cấp nghiêm trọng, nên đã đề xuất xin kinh phí, xin các nhà tài trợ ủng hộ sơn, vận động cán bộ, nhân viên Trung tâm góp công sức thực hiện tu bổ, chăm sóc, sơn lại các phần mộ, bước đầu khá khang trang hơn so với trước. 

Ông Trần Văn Kết chia sẻ: Sau gần 30 năm kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng trên 1.500 đối tượng bao gồm: người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, đối tượng tâm thần, lang thang xin ăn... Trong đó, đã có 150 người chết, hầu hết đều được chôn cất tại Nghĩa trang Thánh Mẫu. Việc trông nom, chăm sóc các phần mộ của đối tượng đều được thực hiện thường xuyên, chu đáo. 

Tuy nhiên, cùng thời gian, các phần mộ xuống cấp nghiêm trọng do lâu ngày bị hư hỏng nhưng không có kinh phí sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp. Đến năm 2022, Trung tâm đã đề xuất và được lãnh đạo tỉnh đồng ý về mặt chủ trương. Sau đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND TP Đà Lạt đã đi khảo sát kiểm tra thực tế, nhận thấy việc đề xuất kiến nghị của Trung tâm là hết sức cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Sau đó UBND TP Đà Lạt thống nhất giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt làm chủ đầu tư từ nguồn xã hội hóa giúp Trung tâm thực hiện phần trùng tu các phần mộ dành cho người không nơi nương tựa. 

Tin vui đến với đông đảo tập thể cán bộ, nhân viên và các đối tượng tại Trung tâm khi ngày 10/3/2023 lễ động thổ khởi công xây dựng trùng tu, sửa chữa các phần mộ được tiến hành. Ban Quản lý Nghĩa trang Thánh Mẫu được giao là đơn vị trực tiếp thi công. Sau gần 2 tháng nỗ lực đôn đốc triển khai thực hiện tu sửa, 44 phần mộ người không nơi nương tựa đã dần đi vào hoàn thiện. Từng phần mộ được sơn vàng, phủ đá trắng hiện ra rất khang trang, tôn nghiêm. 

Điều mà đồng chí Giám đốc Trung tâm tận tâm, giàu lòng nhân ái còn trăn trở, đó là hiện nay phần bờ kè sát khu mộ đang có nguy cơ dễ bị sạt lở do ở độ cao trên đồi và liền với khu đất canh tác sản xuất của người dân. Bởi vậy, Trung tâm tha thiết đề nghị các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng, các mạnh thường quân tiếp tục quan tâm hỗ trợ làm bờ ta luy chống sạt lở phần mộ sau khi đã được đầu tư tu bổ khang trang. Bờ kè có chiều dài khoảng 30 m, cao gần 2 m với dự kiến kinh phí khoảng vài trăm triệu đồng. Nếu được sớm đầu tư và hoàn chỉnh khu mộ cũng sẽ góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là về ý nghĩa tâm linh sâu sắc.