Gấp rút triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ khẩn cấp, hạn chế tác hại của thiên tai

QUỲNH UYỂN 03:19, 22/08/2023

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ gấp rút thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp thiết của địa phương về vấn đề sạt lở, biến động địa chất (sạt trượt, sụt lún, nứt gãy,...), ngập úng trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng ngập lụt vào mùa mưa, đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu ngập lụt cho khu vực nội ô TP Đà Lạt” đã được đặt ra. Qua đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiến hành đánh giá tình trạng ngập lụt, tiêu thoát nước tại khu vực nội ô TP Đà Lạt do hoạt động nhân sinh, biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp giảm thiểu. 

Cụ thể, sẽ tiến hành khảo sát đánh giá một cách tổng thể hiện trạng, nguyên nhân gây ngập lụt đô thị và tiêu thoát nước tại khu vực nội ô Đà Lạt; đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, phi khí hậu đến tình hình ngập lụt đô thị và tiêu thoát nước tại khu vực nội ô TP Đà Lạt; đề xuất được các giải pháp giảm thiểu ngập lụt phù hợp và khả thi; lập bản đồ các khu vực, vị trí ngập lụt theo hiện trạng và các kịch bản tại khu vực nội ô TP Đà Lạt.

Với thực trạng sạt lở, trượt lún đất, từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành đề tài khoa học “Nghiên cứu các tai biến địa chất: nứt, sụt đất, trượt lở đất và đề xuất các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa và khắc phục trên địa bàn TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Qua đó, các chuyên gia ở Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đánh giá được thực trạng, xác định nguyên nhân, cơ chế phát sinh và phân vùng dự báo các tai biến địa chất; đề xuất giải pháp cảnh báo, ngăn ngừa, khắc phục và xây dựng bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng dự báo nguy cơ xuất hiện tai biến địa chất TP Đà Lạt. 

Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao áp dụng góp phần phục vụ công tác quản lý của tỉnh đối với các sự cố sạt, trượt lở đất trong thời gian qua. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động nhân sinh, cùng với việc đề tài đã kết thúc được 4 năm nên một số phân tích, đánh giá, bản đồ phân vùng dự báo nguy cơ xuất hiện các tai biến địa chất chưa thật sát với điều kiện thực tế hiện nay. Do đó, cần thiết phải kế thừa và nghiên cứu sâu hơn về các vị trí, điểm có nguy cơ biến động địa chất để phục vụ công tác quản lý quy hoạch, cấp phép và quản lý xây dựng và các công tác khác trong phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh.