''Gỡ khó'' cho Sơn Điền, Gia Bắc

NGỌC NGÀ 05:20, 28/08/2023

Đó là nhiệm vụ được lãnh đạo huyện Di Linh thực hiện nhằm đưa hai xã Sơn Điền và Gia Bắc từng bước tiến lên, bắt nhịp với guồng quay phát triển chung cùng các địa phương khác trong toàn huyện. 

Mô hình Trồng chanh dây ở xã Sơn Điền
Mô hình Trồng chanh dây ở xã Sơn Điền

KIỂM TRA THỰC TẾ

Sơn Điền và Gia Bắc là hai xã còn nhiều khó khăn của huyện Di Linh với trên 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), số hộ nghèo cao. Hai địa phương này là những đơn vị về đích nông thôn mới cuối cùng của huyện Di Linh (năm 2021) theo bộ tiêu chí cũ; tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí mới, Sơn Điền và Gia Bắc còn có nhiều tiêu chí chưa đạt. Trong đó có các tiêu chí quan trọng như: Quy hoạch, giao thông, hộ nghèo, thu nhập.

Để từng bước “gỡ khó” cho Sơn Điền và Gia Bắc, lãnh đạo huyện Di Linh đã kiểm tra thực tiễn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại hai địa phương này. Theo ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh: Thay vì họp hành, báo cáo và chỉ lắng nghe những số liệu được thông tin từ cơ sở thì việc kiểm tra thực tiễn sẽ cho cái nhìn toàn cảnh và chi tiết hơn. Đó là cơ sở để đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp và hiệu quả.
 
Việc kiểm tra của lãnh đạo huyện Di Linh tập trung vào những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra cho các địa phương.

Cụ thể, tại xã Sơn Điền, lãnh đạo huyện Di Linh tập trung kiểm tra việc thực hiện công tác giảm nghèo. Theo đó, lãnh đạo huyện đã trực tiếp kiểm tra việc sản xuất, canh tác của các hộ dân trên địa bàn. Ngoài các mô hình sản xuất cà phê - cây trồng truyền thống ở vùng Sơn Điền, còn có các mô hình trồng dâu, nuôi tằm, trồng chanh dây. Đây là hai loại cây trồng được huyện Di Linh định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ để bà con xã Sơn Điền chuyển đổi từ diện tích cà phê kém hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập. 

So với các địa bàn khác trong huyện, diện tích đất sản xuất của Sơn Điền khá lớn, điều kiện sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cơ cấu sản xuất bao gồm cả cây lương thực và cây công nghiệp. Tuy nhiên, năng suất cây trồng chưa cao. Thêm vào đó là khó khăn về đường giao thông nên việc tiêu thụ nông sản nói riêng và trao đổi hàng hoá nói chung không thuận lợi. Đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Còn tại xã Gia Bắc, lãnh đạo huyện Di Linh đã kiểm tra việc tuyên truyền, vận động sức dân trong xây dựng nông thôn mới nói chung. Đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới” nói riêng. Bởi Gia Bắc dù diện mạo đã có sự thay đổi, song chưa thực sự có đột phá như kỳ vọng. Thẳng thắn nhìn nhận, so với các địa phương khác trong toàn huyện, sức ì ở Gia Bắc vẫn còn cao. Hay nói đúng hơn vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã còn thiếu quyết liệt, năng động, sáng tạo; việc lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu phương pháp dẫn đến chưa hiệu quả. Công tác dân vận chính quyền ở một số thôn chưa tốt, hoạt động của tổ chức đoàn thể, hội quần chúng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.

TÌM GIẢI PHÁP “GỠ KHÓ”

Thông qua việc kiểm tra thực tế, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất từ chính cơ sở, lãnh đạo huyện Di Linh đã yêu cầu lãnh đạo Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện… trực tiếp giải đáp những vấn đề cụ thể mà lãnh đạo hai xã Sơn Điền và Gia Bắc đặt ra. Đồng thời, lãnh đạo huyện Di Linh cũng xác định những nhiệm vụ cụ thể để yêu cầu hai địa phương này tập trung thực hiện.

Đối với Sơn Điền, Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Tuấn nhấn mạnh: Sơn Điền là vùng căn cứ cách mạng. Trong quá khứ, người dân đã luôn đoàn kết, sát cánh cùng bộ đội đánh đuổi kẻ thù xâm lược thì trong hiện tại người dân hoàn toàn có thể chung sức, đồng lòng để phát triển kinh tế - xã hội. Và chính quyền địa phương cần phải khơi dậy được sức dân. Chiến tranh đã lùi xa, nếu để vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, đó là trách nhiệm, là thiếu sót lớn của những người làm cán bộ. 

Lãnh đạo huyện Di Linh định hướng xã Sơn Điền cần phát triển nông nghiệp theo hướng đa cây, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Trước mắt cần khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Phối hợp với Giáo xứ Sơn Điền để việc tuyên truyền, vận động người dân đạt hiệu quả cao hơn. Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, đảng viên và từ đó nhân rộng trong Nhân dân theo công thức đi từ nhỏ đến lớn: hộ gia đình mẫu - xóm mẫu - thôn mẫu - xã mẫu. Lãnh đạo huyện Di Linh cũng đã yêu cầu ngành Nông nghiệp huyện có sự bám sát, tư vấn, hỗ trợ Sơn Điền để từng bước nâng cao thu nhập cho bà con.

Còn tại Gia Bắc, việc xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới đúng nghĩa là giải pháp để khắc phục cụ thể và toàn diện những khó khăn hiện nay của xã. Để làm được điều đó đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Gia Bắc cần xác định rõ việc thực hiện các nhiệm vụ không phải để đạt chỉ tiêu giao mà quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đời sống người dân. 

Gia Bắc cần làm tốt công tác tuyên truyền để xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng “không muốn thoát nghèo để được Nhà nước hỗ trợ” của một bộ phận người dân. Phụ nữ, thanh niên cần tiên phong trong việc thực hiện Mô hình “Rau trong vườn - gà trong chuồng” để cải thiện đời sống gia đình. Từ đó dần lan toả và thay đổi cách nghĩ: sống phụ thuộc vào rừng, cần thì ra quán mua nợ hay tư tưởng “ăn tạm” của bà con. Cần khơi dậy tình yêu lao động của bà con vì có như thế sự hỗ trợ của huyện thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay vào Gia Bắc mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn. 

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống người dân. Và việc xây dựng nông thôn mới cần phải được thực hiện ngay từ chính những người dân ở cộng đồng dân cư. Việc thực hiện “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới” nói riêng và các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói chung ở Gia Bắc cần có sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ và sự chung tay của người dân thì việc xây dựng nông thôn mới đi đúng trọng tâm, trọng điểm.