Từ những mô hình, hoạt động giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông; hàng trăm phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Nhiều hội viên phụ nữ đồng bào DTTS thoát nghèo nhờ chương trình vay vốn ưu đãi |
Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Đam Rông đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ đồng bào DTTS vùng cao. Qua đó, đã thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội, đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Để hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội cơ sở tiến hành khảo sát đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế gia đình; đánh giá, phân loại gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể giúp hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo, bằng các hình thức như: Tiếp cận vốn vay từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH, giúp đỡ ngày công lao động đối với các gia đình neo đơn...
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đứng ra tín chấp với số vốn quản lý gần 240 tỷ đồng, giải quyết cho 3.324 hộ hội viên phụ nữ vay; giúp đỡ 10.560 ngày công lao động cho các hội viên. Bên cạnh đó, Hội LHPN ở các xã còn xây dựng và duy trì các mô hình Tổ tiết kiệm, Tổ hùn vốn…, với số tiền trên 651 triệu đồng, giúp cho 320 chị em hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo còn được hưởng các chương trình dự án hỗ trợ cây, con giống, phân bón, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bà Rơ Yam K’ Khim - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Tông, chia sẻ: “Trong năm 2022, toàn xã có 323 hội viên phụ nữ được vay hàng tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi chủ yếu sử dụng vào mục đích đầu tư thâm canh cây trồng và chăn nuôi; chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, chuyển đổi diện tích lúa 2 vụ sang trồng dâu, nuôi tằm. Trong số 1.170 hội viên phụ nữ trên địa bàn xã, đến nay, chỉ còn gần 70 hội viên phụ nữ nghèo và diện cận nghèo có 142 hội viên. Thông qua mô hình, nhiều chị em phụ nữ được hỗ trợ cây, con giống; vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề. Thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”.
Song song với chương trình vay vốn phát triển kinh tế gia đình, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm GDTX - GDNN huyện, Trung tâm Nông nghiệp huyện và các đoàn thể huyện mở 20 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm, trồng và chăm sóc cà phê, trồng và chăm sóc cây ăn quả, nuôi lợn, nuôi bò và mở 6 lớp dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, sửa chữa máy nông nghiệp..., với trên 1.111 học viên tham gia, trong đó có 506 hội viên, phụ nữ. Nhờ đó, đã tác động tích cực làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp cho hội viên, phụ nữ nông thôn vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông, cho biết: “Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương giúp cho 224 hội viên, phụ nữ nghèo thoát nghèo (trong đó có 213 hội viên, phụ nữ đồng bào DTTS, 84 hội viên, phụ nữ là chủ hộ) và đã có 251 hội viên, phụ nữ hộ cận nghèo thoát nghèo. Đến nay, toàn huyện còn 742 hội viên, phụ nữ nghèo và 1.295 hội viên, phụ nữ cận nghèo”.
Có thể nói rằng, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Đam Rông đã không ngừng phát huy nội lực, khai thác các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Trong đó, các mô hình hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã tác động đến nhận thức của chị em phụ nữ, giúp chị em hội viên và người dân, đặc biệt trong đồng bào DTTS dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từng bước nâng cao ý thức tự nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin