Hiệu quả từ Tổ Vay vốn và Tiết kiệm trong hội viên phụ nữ

V.QUỲNH - N.QUỲNH 05:37, 29/08/2023

Là đơn vị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông chọn thực hiện thí điểm Mô hình Tổ Vay vốn và Tiết kiệm, Hội LHPN xã Đạ K’nàng đã dựa vào tình hình thực tế và điều kiện của hội viên tại địa phương để hỗ trợ chị em phụ nữ đầu tư phát triển kinh tế một cách phù hợp, từ đó phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay.

Chị Triệu Thị Khoe dần cải thiện cuộc sống gia đình nhờ đầu tư phát triển trồng dâu, nuôi tằm
Chị Triệu Thị Khoe dần cải thiện cuộc sống gia đình nhờ đầu tư phát triển trồng dâu, nuôi tằm

Tổ Vay vốn và Tiết kiệm được Hội LHPN xã Đạ K’nàng thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020, với 14 thành viên tham gia và nguồn vốn ban đầu là 700 triệu đồng. Đến hiện tại, tổng nguồn vốn của Tổ là 1,5 tỷ đồng, với 24 thành viên tham gia vay vốn. Mỗi hội viên được vay số tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. Chị Bùi Thị Quyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ K’nàng cho biết: “Điều kiện để chị em được vay vốn là phải phục vụ mục đích đầu tư trồng dâu, nuôi tằm và chưa vay nguồn vốn nào khác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến hiện tại, các hội viên tham gia vay vốn đều tham gia trả lãi đầy đủ, không có biên lai tồn. Hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tập trung phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả thiết thực”.

Là một thành viên của Tổ Vay vốn và tiết kiệm, chị Triệu Thị Khoe (thôn Păng Bá) cho biết, chị tham gia Tổ vào năm 2022 với số tiền vay 60 triệu đồng. “Ban đầu thì không dám đâu. 60 triệu trả trong 3 năm, tôi lo mình không trả được. Nhưng nhìn chị em xung quanh nhờ vay vốn, trồng dâu, nuôi tằm mà có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được cải thiện thấy rõ, nên tôi mới học hỏi theo” - chị Khoe nói. Số tiền này được chị dùng để đầu tư xây dựng nhà tằm, dụng cụ chăn nuôi tằm và trồng thêm dâu. Hiện, chị Khoe có hơn 3 sào dâu, đủ để nuôi gối đầu mỗi tháng 2 đợt tằm, thu được trên dưới 10 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Trước đây nhà tôi chỉ trồng cà phê, chỉ thu được 1 lần vào cuối năm, có khi phải chốt bán sớm với giá rất rẻ. Bây giờ có dâu tằm, đợt nào giá kén xuống thấp thì tôi vẫn thu được 3 triệu đồng. Nhờ đó mà có chi phí để trả tiền điện, tiền gạo và ăn uống hàng ngày, cuộc sống đỡ hơn rất nhiều”.

Theo chị Khoe, việc trồng dâu, nuôi tằm không khó, cũng không tốn nhiều thời gian của gia đình khi vợ chồng chị chỉ cần tranh thủ hái dâu vào buổi sáng. Việc đầu tư cũng chỉ cần một lần ban đầu là có thể sử dụng lâu dài. “Hiện tại, sau hơn 1 năm nuôi tằm, tôi vững tin hơn nhiều. Thấy hiệu quả từ chính bản thân mình, năm nay, tôi cũng giới thiệu thêm cho chị em trong nhà mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế” - chị Khoe cho biết.

Tại thôn Đạ Pin, phong trào vay vốn để trồng dâu, nuôi tằm cũng đang được các hội viên, chị em phụ nữ tích cực tham gia. Chị Luân Thị Dời - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn thôn Đạ Pin khẳng định: “Từ hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, cuộc sống của chị em hội viên phụ nữ được cải thiện, các chị cũng chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động do Hội tổ chức hơn so với trước đây. Trong các buổi sinh hoạt chi hội, chị em chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm, cũng như đổi công, hỗ trợ nhau trong những ngày cao điểm tằm ăn rỗi”.

Hội LHPN xã Đạ K’nàng hiện có hơn 1.200 hội viên. Trong đó, hội viên đồng bào các dân tộc thiểu số như K’Ho, Cil, Dao, Tày, Mạ..., chiếm tỷ lệ hơn 50%. Người dân trong xã đã từng phụ thuộc phần lớn vào cây cà phê. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa và cả dịch bệnh khiến đời sống của chị em phụ nữ còn nhiều khó khăn. Từ năm 2019, nhiều người dân tập trung chuyển đổi cây trồng, phá bỏ vườn cà phê già cỗi sang trồng dâu, nuôi tằm. Giá tằm ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, đời sống của bà con Nhân dân dần ổn định. Chị Nguyễn Thị Trang - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho biết: “Nhận thấy những đặc điểm này, Hội LHPN huyện đã chọn xã Đạ K’nàng làm điểm về mô hình Tổ Vay vốn và Tiết kiệm nhằm thúc đẩy hội viên phụ nữ mạnh dạn đầu tư, phát triển trồng dâu, nuôi tằm; tạo bàn đạp giúp chị em có thêm điều kiện nâng cao đời sống cho gia đình một cách bền vững và hiệu quả”.

Theo chị Trang, Tổ Vay vốn và Tiết kiệm tại Hội LHPN xã Đạ K’nàng là một trong 2 Tổ Vay vốn và Tiết kiệm trên địa bàn huyện Đam Rông hiện có, bên cạnh Tổ của Hội Nông dân. Nguồn vốn này đến hiện tại đã hỗ trợ rất nhiều cho hội viên phát triển kinh tế. Nhiều chị em phụ nữ có vốn đã mạnh dạn đầu tư trồng dâu, nuôi tằm, có được nguồn thu nhập ổn định, tự chủ trong phát triển kinh tế gia đình. Điều này cũng giúp phụ nữ có tiếng nói hơn, đời sống gia đình và xã hội được xây dựng, vun đắp hạnh phúc, tốt đẹp hơn. 

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ K’nàng, chị Bùi Thị Quyên, mặc dù hiệu quả mang lại đã được khẳng định, tuy nhiên, hiện một số hội viên trong xã vẫn còn e dè khi quyết định vay vốn tại Tổ. Lý do là vì hội viên vay vốn phải hoàn trả sau 3 năm, không vay đáo hạn. Trong khi đó, số tiền vay khá lớn cộng thêm những khoản chi tiêu phát sinh trong gia đình khiến khả năng hoàn vốn trong 3 năm đối với một số hội viên là khá khó. Hội LHPN xã Đạ K’nàng cũng đã có đề xuất kéo dài thời gian hoàn trả vốn cũng như có thể vay đáo hạn để chị em mạnh dạn hơn, có thêm nhiều hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này.