Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

TUẤN HƯƠNG 03:26, 23/08/2023

Qua 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm tăng. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Các hòa giải viên có dịp học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải qua Hội thi “Hòa giải viên giỏi”
Các hòa giải viên có dịp học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải qua Hội thi “Hòa giải viên giỏi”

GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM VỤ VIỆC TỪ CƠ SỞ

Trong 10 năm qua, Tổ hòa giải thôn Thống Nhất (xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) đã hòa giải thành 106/119 vụ việc, đạt tỷ lệ 89%. Chất lượng hòa giải ở cơ sở năm sau đều tăng cao hơn năm trước. Để có được kết quả đó, những hòa giải viên của Tổ luôn đi sâu, đi sát vào đời sống của người dân trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở. 

Bà Trần Thị Mão - Trưởng thôn và cũng là Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Thống Nhất cho hay, Tổ hoạt động với phương châm phát hiện sớm vụ việc để hòa giải viên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hòa giải. Khi tiến hành hòa giải một vụ việc tại cơ sở, các hòa giải viên luôn xác định ba bước cần thực hiện: trực tiếp nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp, kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật; xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan đến tranh chấp để vận dụng các quy định đó vào việc giải quyết tranh chấp; hòa giải viên gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải, kết hợp với việc giải thích pháp luật giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, kiên trì đối với vụ việc phức tạp, hòa giải viên tổ chức hòa giải nhiều lần để hòa giải mâu thuẫn giữa các bên. 

“Thông qua việc hòa giải thành những vụ việc phát sinh tại địa phương đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu đơn thư khiếu kiện. Trong 10 năm qua, trên địa bàn không có các tệ nạn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, bà Mão chia sẻ.

Theo Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, tổng số vụ việc tiếp nhận trên toàn tỉnh trong 10 năm qua hơn 16.000 vụ. Trong đó, số vụ việc hòa giải thành gần 13.000 vụ, tỷ lệ 79,6%; số vụ việc hòa giải không thành gần 3.300 vụ, tỷ lệ 20,6%. Những vụ việc hòa giải không thành đều được chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân. Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần làm giảm các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính…

Việc phổ biến, truyền thông về Luật Hòa giải ở cơ sở được thực hiện thường xuyên, trong đó chú trọng đến các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đặc biệt, Hội thi “Hòa giải viên giỏi” được tổ chức từ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, thu hút hàng ngàn hòa giải viên tham gia, tỉnh Lâm Đồng cũng đã cử đội tuyển tham gia Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc, qua đó các hòa giải viên có dịp học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải. 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI

Thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên là điểm mấu chốt giúp “hóa giải” các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư. Vì vậy việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng. Tại cơ sở, UBND các huyện, thành phố luôn quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên ở các thôn, tổ dân phố, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở đối với hòa giải viên. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở, các mô hình tổ hòa giải điển hình tại địa phương để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. 

Trên cơ sở Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố bố trí cán bộ, công chức theo dõi, quản lý công tác hòa giải tại địa phương; hướng dẫn UBND cấp xã củng cố, kiện toàn công chức quản lý công tác hòa giải ở địa phương mình. Đến nay, từ tỉnh đến xã đã bố trí 142 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Hiện, toàn tỉnh có 1.100 tổ hòa giải với hơn 7.800 hòa giải viên, trong đó hòa giải viên là người dân tộc thiểu số gần 1.900 người. 

Ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã khẳng định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, ngành chú trọng kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo hướng nâng cao chất lượng, mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên... Từ đó, giúp công tác hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào chiều sâu, vừa góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo sự đồng thuận, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.