Tập trung phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, ngập lụt và lũ quét

PV 19:28, 10/08/2023

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc về việc tập trung phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, ngập lụt và lũ quét trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét

Thực hiện Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét. Để tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh); các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất và đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tải sản Nhà nước và Nhân dân trong mùa mưa bão.

Trước mắt, triển khai thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập lụt nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp... (báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trước ngày 16/8 để tổng hợp, theo dõi). 

Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của Nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về lâu dài, Sở Xây dựng, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng thuộc phạm vi thẩm quyền và địa bàn quản lý, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, lực lượng chức năng, các đơn vị chủ rừng tập trung kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (trong đó có hành vi phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng); kịp thời xử lý, kiến nghị, đề xuất xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị, đề xuất xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đề xuất xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở; trong đó, ưu tiên các dự án, công trình nhằm mục tiêu di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng phương án bảo đảm giao thông và an toàn giao thông trong mùa mưa bão; trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các trục đường huyết mạch (nhất là các đoạn đường đèo, dốc); chủ động xử lý trước các vị trí có nguy cơ sạt trượt; cắt tỉa, xử lý cây xanh nguy cơ ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong mùa mưa bão.

Sở Công thương xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm đề đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống...; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên địa bàn tham gia chuẩn bị dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp kịp thời cho Nhân dân trên địa bàn khi có thiên tai xảy ra.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và cấp huyện thường xuyên, liên tục, cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, sự cố, thiên tai, sạt lở trên địa bàn để chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở theo chức năng nhiệm vụ được giao; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo, điều phối và phối hợp triển khai công tác ứng phó, tìm kiểm cứu nạn bảo đảm kịp thời, hiệu quả (khi có tình huống sự cố xảy ra).

Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc chủ động nắm tình hình, chỉ đạo triển khai xử lý, khắc phục tình trạng ngập lụt, lũ quét, sạt lở, sạt trượt công trình... theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. 

Giao Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh bố trí cán bộ tổ chức trực ban theo quy định, theo dõi nắm chắc mọi tình hình, diễn biến của thời tiết, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh; định kỳ (hoặc đột xuất) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo yêu cầu.