Việc hỗ trợ sinh kế - trao vật nuôi và cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Bảo Lâm đã tạo động lực để họ có việc làm, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bảo Lâm hiện có 9.912 hộ DTTS, với 37.176 khẩu, chiếm 30,06% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,44%. Số người nghèo chủ yếu tập trung ở vùng DTTS. Ông Bùi Xuân Quý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Lâm, đơn vị chủ trì việc trao sinh kế giúp các hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, chia sẻ: “Đây không phải là mô hình mới nhưng cách tiếp cận thì hoàn toàn mới. Mới thể hiện qua việc trao cho các đối tượng thụ hưởng 2 quyền: tự chủ và tự quyết. Tự chủ ở đây là các đối tượng thụ hưởng tự chọn mô hình phù hợp (chăn nuôi dê, heo hoặc trồng chanh dây, sầu riêng, ghép cải tạo cà phê) với điều kiện gia đình. Sau khi tự chọn mô hình, các đối tượng thụ hưởng tự thanh quyết toán tài chính việc mua cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không phải qua khâu trung gian. Chính cách làm ấy, ai ai cũng phấn khởi, vì không phải mất tiền cho khâu trung gian, hiệu quả của đồng vốn là tối đa”.
Trên cơ sở bình xét của các thôn, các xã tiến hành rà soát lại một lần nữa, rồi lập danh sách các đối tượng thụ hưởng gửi về Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Lâm. Từ đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm căn cứ danh sách những đối tượng thụ hưởng để triển khai các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật làm đất, cách bón phân, cũng như hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng cách chọn mua con giống, cây giống, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. “Bảo Lâm được giao 3 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế giúp 200 hộ nghèo là hộ đồng bào DTTS thoát nghèo. Mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng. Trong số 200 hộ được hỗ trợ sinh kế, xã Lộc Bắc có 40 hộ, Lộc Bảo 40 hộ, Lộc Lâm 28 hộ, Lộc Thành 40 hộ và xã Lộc Nam có 52 hộ. Mô hình hỗ trợ sinh kế giúp hộ đồng bào DTTS thoát nghèo triển khai từ cuối tháng 12/2022. Hiện, nguồn vốn đã giải ngân 100%”, ông Bùi Xuân Quý cho biết.
Qua một thời gian ngắn triển khai thực hiện, đến nay, hiệu quả của mô hình là nhìn thấy rõ. “Tôi rất cảm kích vì nhận được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Từ nguồn vốn 15 triệu đồng, tôi mua được 4 con dê để chăn nuôi. Tôi nghĩ, sẵn có chuồng trại sao mình không mua thêm ít con dê giống nữa về chăn nuôi luôn thể. Thế là tôi bỏ thêm tiền mua thêm 2 con dê giống về nuôi chung với 4 con dê giống do Ủy ban MTTQ huyện Bảo Lâm hỗ trợ kinh phí. Hiện tại, một con dê cái đã đẻ lứa đầu tiên”, bà Ka Riếp - một đối tượng được hỗ trợ sinh kế ở xã Lộc Bắc, phấn khởi nói. Bà Ka Her ở xã Lộc Bắc, cũng vui mừng không kém khi gia đình bà được hỗ trợ mua 4 con dê giống. Bà Ka Her tâm sự: “Do chủ động trong việc chọn mua dê giống, những con dê tôi chọn mua đều là giống dê địa phương, đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lộc Bắc, nên việc chăm sóc rất thuận lợi. Hiện, đàn dê nuôi nhốt chuồng của gia đình tôi đã bắt đầu sinh sản”. Nhận được 15 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế, ông K’Dũng lại chọn mô hình chăm sóc cây cà phê để giảm nghèo. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, ông K’Dũng đã thực hiện đúng cách thức ghép mầm, chăm sóc cà phê. Nhờ đó, vườn cà phê nhà ông K’Dũng đang phát triển rất tốt.
Ông Bùi Xuân Quý cho rằng, những kết quả đạt được bước đầu rất ngọt ngào. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của các hộ nghèo. Nhiều bà con đề xuất, mức hỗ trợ khoảng 30-50 triệu đồng/hộ là phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin