Ðức Trọng: Tìm giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

NHẬT MINH 03:16, 22/08/2023

Đức Trọng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Huyện Đoàn Đức Trọng cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước
Huyện Đoàn Đức Trọng cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước

Thời gian qua, huyện Đức Trọng đã triển khai thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó, các trường học cũng thường xuyên đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh thông qua các buổi ngoại khóa tại trường, thông qua các hoạt động đoàn, đội phổ biến các kiến thức về bơi an toàn, cảnh báo nguy cơ đuối nước đến học sinh các cấp... Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 hồ bơi di động ở 6 trường học; 2 cơ sở dịch vụ hoạt động bơi lội do tư nhân đầu tư với 3 hồ bơi. Các phụ huynh cũng đã quan tâm, đầu tư cho con em tham gia các lớp học bơi tại các hồ bơi tư nhân, qua đó, số trẻ trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước là khoảng 10.373 /37.049, chiếm tỷ lệ 28%.

Đồng thời, chính quyền các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội để gắn vào hoạt động của các tổ chức này trong việc vận động Nhân dân thi đua thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Cuộc vận động Xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em; đặc biệt, quan tâm đến các vùng có nhiều sông, suối, ao, hồ, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Mặt khác, các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra các địa điểm có nguy cơ cao hay xảy ra tai nạn thương tích và đuối nước. Qua đó, đã cắm 440 biển cảnh báo nguy hiểm tại những điểm ao, hồ, sông, suối có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Song song với các hoạt động trên, huyện cũng đã cử 135 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức trên địa bàn huyện. Thông qua những lớp tập huấn này, các học viên đã nắm được những kiến thức cơ bản về các kỹ năng cứu nạn nhân bị đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân đuối nước; kỹ thuật và những động tác bơi cơ bản; phương pháp dạy bơi và giảng dạy bơi cho trẻ em trong thực tế...

Huyện Đoàn cũng đã phối hợp với Công an huyện, Trung tâm Y tế huyện, các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập huấn về kiến thức sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bị đuối nước, với hơn 10.000 học sinh tham gia.

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em trên địa bàn vẫn xảy ra, từ năm 2021 đến nay, có 11 trẻ bị tử vong do đuối nước. Trong đó, năm 2021 là 5 trẻ, năm 2022 là 2 trẻ và từ đầu năm 2023 đến nay là 4 trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em trên địa bàn bị đuối nước, trong đó, theo các ngành chức năng, nguyên nhân chính là do kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em của cha mẹ và chính bản thân các em còn hạn chế. Hơn nữa, các em ở độ tuổi hiếu động, đặc biệt là vào các dịp hè thường rủ nhau tắm sông, suối, nếu không được trông coi, giám sát của người lớn và không biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước thì không thể ứng phó với các tình huống nguy hiểm dẫn đến tai nạn đuối nước. Thêm vào đó, công tác dạy bơi cho các em còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất. Các cơ sở dịch vụ hoạt động bơi lội chủ yếu nằm ở trung tâm, các xã hầu như không có hồ bơi; 6 hồ bơi di động trường học chưa đủ điều kiện dạy bơi cho học sinh ở trường vì khí hậu địa phương lạnh mà hồ bơi di động chưa có hệ thống nước nóng; thêm vào đó, lịch học văn hóa của học sinh ở trường nhiều nên không có thời gian sắp xếp lịch học bơi...

Trước thực trạng, để phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, Đức Trọng tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh xã, mạng xã hội facebook, zalo...; các kênh truyền thông về mục đích ý nghĩa của chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trong toàn xã hội; tuyên truyền cảnh báo về tình hình tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; tuyên truyền cho người dân thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, đặc biệt là trong dịp hè, mùa mưa bão. Đồng thời, vận động người dân chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước...

Cùng với đó, công tác kiểm tra, rà soát cũng được tăng cường nhằm phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ, như: Làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ nước sinh hoạt; làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ, ao, sông ngòi... Đồng thời, chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay đóng góp nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi; tổ chức các chương trình dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn các xã, thị trấn...