Bảo Lâm: Chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

VIỆT HÙNG 01:14, 06/09/2023

Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Bảo Lâm đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn. 

Hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở giúp công tác hòa giải ngày càng hiệu quả
Hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở giúp công tác hòa giải ngày càng hiệu quả

Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong 10 năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chú trọng. UBND huyện đã ban hành 14 Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hòa giải ở cơ sở, 3 kế hoạch kiểm tra thực hiện Luật Hòa giải cơ sở, Kế hoạch về tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, ban hành 32 văn bản hành chính để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn về công tác củng cố, kiện toàn tổ hòa giải cơ sở…

Bên cạnh đó, địa phương đã quan tâm chỉ đạo việc bố trí nguồn nhân lực để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Ở cấp độ huyện, Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực giúp Chủ tịch UBND huyện thực hiện quản lý công tác hòa giải chung toàn huyện; tại xã, thị trấn phân công nhiệm vụ cho 1 lãnh đạo UBND và 1 công chức Tư pháp - Hộ tịch để thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải. Trong 10 năm qua, tổng kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở hơn 1,8 tỷ đồng. 

Đồng thời, huyện Bảo Lâm cũng chú trọng nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ. Công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở được kịp thời. Hiện nay, huyện Bảo Lâm có 126 Tổ hòa giải với 630 hòa giải viên. Hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở đã giúp công tác hòa giải trên địa bàn ngày càng hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm tăng. Từ năm 2014 đến nay, các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã thụ lý 1.399 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành 1.302 vụ việc (đạt 93,07%). Những vụ việc hòa giải không thành đều được chuyển lên cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. 

Song song với công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên còn tăng cường lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em… trên địa bàn tiếp cận kiến thức pháp luật. Qua đó góp phần bảo đảm quyền công dân, công bằng xã hội, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, UBND huyện Bảo Lâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện với các hình thức phong phú, đa dạng, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về hòa giải cơ sở cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở trên địa bàn huyện. Đồng thời, cấp phát sách pháp luật, tờ rơi, tài liệu pháp luật; tuyên truyền trên phương tiện phát thanh của cơ sở, lồng ghép tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố, chào cờ hàng tháng… 

Không những vậy, huyện Bảo Lâm cũng chú trọng tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, gắn chặt chẽ việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở với các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận phát động như “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Với sự quan tâm, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở tại huyện Bảo Lâm, nhất là sự tham gia tích cực của các tổ hòa giải đã góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau pháp triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh trật tự và tham gia xây dựng nông thôn mới…