Đạ K’nàng vươn lên thoát nghèo nhờ đa dạng hóa cây trồng

T.TRANG - N.NGUYỄN 05:50, 18/09/2023

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, mạnh dạn thay đổi tư duy canh tác, đưa nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thay cho diện tích cà phê già cỗi, thu nhập của người dân Đạ K’nàng (Đam Rông) đã tăng lên rất nhiều so với trước… 

Chuối Laba của Đạ K’nàng được sơ chế, đóng thùng trước khi xuất đi thị trường 
các nước trong khu vực
Chuối Laba của Đạ K’nàng được sơ chế, đóng thùng trước khi xuất đi thị trường các nước trong khu vực

Gia đình ông K’Bát (thôn Băng Dung, xã Đạ K’nàng) những năm gần đây đã mạnh dạn đầu tư thay đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang trồng dâu, nuôi tằm, kinh tế từ đó đã cải thiện rõ rệt. Chia sẻ với phóng viên, ông K’Bát cho biết, trước đây diện tích cà phê mỗi năm chỉ cho thu nhập 1 lần, nhưng từ ngày chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm tháng nào gia đình cũng có thu nhập. Không riêng gia đình tôi mà phần lớn người dân nơi đây cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, từ đó đời sống của bà con đã tốt hơn nhiều so với trước đây.

Tương tự, hộ ông Lơ Mu Ha Bình (thôn Đạ Mun, xã Đạ K’nàng), đã đưa kinh tế gia đình lên một bước mới nhờ chuyển đổi 2 ha cà phê già cỗi sang trồng cây mắc ca. Ông Bình cho biết, trong vụ vừa qua, vườn mắc ca của gia đình cho 2 tấn quả, tiền thu về gần 200 triệu đồng. Theo ông Bình, cây mắc ca hiệu quả cao, thu nhập ổn định, dễ trồng, ít tốn công so với cây cà phê. Từ ngày chuyển sang trồng loại cây này, kinh tế của gia đình ông đã nâng lên rõ nét. 

Theo thống kê của UBND xã, Đạ K’nàng có gần 2.000 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 45%. Toàn xã hiện có gần 4.300 ha cây lâu năm, trong đó 3.133 ha cà phê, hơn 885 ha cây mắc ca, trên 165 cây ăn trái (gồm bơ, sầu riêng) và 115 ha cây dâu tằm. Xã cũng có hơn 60 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 33 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, chủ yếu là rau, hoa thương phẩm. Ngoài ra, còn có một số diện tích trồng thử nghiệm cây dược liệu và bước đầu cho thấy sự phù hợp. Đáng chú ý, sản phẩm chuối laba của Đạ K’nàng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và đã xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực. 

Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng - ông Nguyễn Bá Nhân, cho biết, địa phương hiện đã trở thành “Thủ phủ của cây dâu, con tằm” tại huyện Đam Rông với trên 100 ha dâu tằm. Nhờ cây dâu con tằm mà thúc đẩy kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 45 triệu đồng/người/năm. 

Kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa…, tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định với cây cà phê, mắc ca, dâu tằm. 

Để có được kết quả tích cực này là nhờ có định hướng đúng đắn của cấp ủy và chính quyền xã Đạ K’nàng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa. Và kết quả đã cơ bản hình thành được các vùng sản xuất cây trồng chủ lực, phù hợp. Nhờ đó, trong khi cả nước đối mặt với khó khăn bởi đại dịch COVID-19 thì xã Đạ K’nàng vẫn “cán mốc” chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Và đến thời điểm này, Đạ K’nàng đã đạt 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. 

Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng cho biết thêm, nếu trước đây địa phương chỉ độc canh cây cà phê, thì trong những năm gần đây, xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao rõ rệt. Thu nhập bình đầu người đã tăng cao; từ tỷ lệ hộ nghèo khoảng 17% nay chỉ còn 5,03% theo chuẩn mới đa chiều. Có rất nhiều hộ dân tộc thiểu số vươn lên khá giả, thậm chí nhiều hộ trở nên giàu có. Hiện nay, xã của chúng tôi đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, đưa xã Đạ K’nàng ngày càng phát triển.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu xây trồng, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung với từng loại cây trái phù hợp, xã Đạ K’nàng còn đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông sản của địa phương. Với hướng đi này, Đạ K’nàng đang đặt niềm tin sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.