Năm 2004, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng thành lập, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 93% và tỷ lệ hộ nghèo trên 73%. Năm 2023, huyện còn 65% đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 19,3%, và đặc biệt, chính thức không còn trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước.
Cá tầm huyện Đam Rông có tiềm năng phát triển lớn nhất khu vực Tây Nguyên |
• QUYẾT KHÔNG CHỊU NGHÈO MÃI NỮA
“Dù huyện còn hơn 19% hộ nghèo nhưng không thể khác, phải vượt khó khăn để thoát nghèo. Chúng tôi quyết không chịu nghèo mãi nữa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông ông Liêng Hót Ha Hai khẳng khái nói với báo chí trong dịp gặp mặt giữa tháng 8 vừa qua.
Đam Rông là huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng. Đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên là K’Ho, M’Nông, Mạ; đồng bào các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào như dân tộc Mông, Tày, Nùng… Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện trên 87.000 ha, trong đó, hơn 70% đất lâm nghiệp, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 65%. Dân cư toàn huyện có trên 14.700 hộ với gần 58,8 ngàn người.
Phó Chủ tịch Ha Hai khái quát, Đam Rông vừa đầu tư hạ tầng cơ sở, các cấp, các ngành và người dân đồng lòng phát huy tiềm năng và nỗ lực vượt khó khăn. Trình độ dân trí tăng rõ rệt. So với trước, diện mạo thay đổi rất nhiều... Từ năm 2021 đến nay, huyện Đam Rông hỗ trợ xây dựng 231 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng trị giá gần 12 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế cho 455 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí trên 7,7 tỷ đồng; giải quyết cho gần 1.200 lượt hộ nghèo vay tổng số tiền trên 65 tỷ đồng. Ở Đam Rông, đến nay, hơn 129.000 đối tượng được cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế; 641 người được đào tạo nghề với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng…
Để giảm nghèo bền vững, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Chính cho rằng, cần có biện pháp thuyết phục đồng bào DTTS xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại sự bao cấp của Nhà nước. Trước kia, toàn huyện có 3.000 ha cà phê, sản lượng 1 tấn/ha, nay có 12.000 ha, năng suất 3,3 tấn/ha. Đam Rông hiện có 175 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản với sản lượng trên 70 tấn/ha. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhận xét với chúng tôi: “Huyện Đam Rông có nhiều tiềm năng phát triển cá tầm lớn nhất ở Tây Nguyên”. Cùng với đó, nhiều diện tích trồng dâu, nuôi tằm, trồng sầu riêng, mắc ca, bơ… cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đây là kết quả bà con các DTTS mạnh dạn chuyển đổi trong sản xuất đang rất được địa phương khích lệ.
Thống kê của ngành chức năng cho biết, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Đam Rông đạt 12,1%/năm; tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng trưởng bình quân 9,5%. Hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư khá đồng bộ và từng bước hoàn thiện; kinh tế nông nghiệp nhiều chuyển biến. Tháng 8/2023, huyện đã có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đạ R’sal, Rô Men, Phi Liêng và Đạ K’nàng; 3 xã đã đạt 18/19 tiêu chí là Liêng S'rônh, Đạ M’rông và Đạ Tông, xã Đạ Long đạt 16/19 tiêu chí.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn năm 2022 - 2025, huyện Đam Rông có 2.132 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,8%, tăng 7,3% so với cuối năm 2020 theo chuẩn 2016 - 2020. Cận nghèo đa chiều 2022 - 2025 có 2.868 hộ, chiếm 19,87%, giảm 2,4% so với cuối năm 2020. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện là 19,3% với 2.845 hộ; hộ cận nghèo là 12,4% với 1.820 hộ. Huyện Đam Rông đang phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 14,3% với 2.105 hộ.
• NGHỊ QUYẾT TỈNH ỦY LÀ “CÚ HÍCH” QUAN TRỌNG
Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ niềm vui, gửi gắm niềm tin và sự quyết tâm với chúng tôi: “Rất vui là huyện Đam Rông chúng tôi cùng với 3 trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng là TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành riêng Nghị quyết phát triển từ nay đến tầm nhìn năm 2045” (Nghị quyết số 07-tác giả). Đây là “cú hích” đối với huyện Đam Rông để tiếp tục nỗ lực vươn lên. Nhiệm vụ tỉnh đặt ra đối với Đam Rông là tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2026. Đến năm 2025, đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thoát nghèo bền vững; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Theo Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, huyện Đam Rông có 18 công trình ưu tiên đầu tư nguồn vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, đã có 7 dự án đang triển khai, 1 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, còn 10 dự án đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.
Vốn chương trình mục tiêu quốc gia của huyện Đam Rông là 102.810 triệu đồng, bao gồm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS 55.814 triệu đồng và xây dựng nông thôn mới 46.996 triệu đồng. Tính đến tháng 7/2023, giá trị giải ngân được 62.900 triệu đồng, đạt 58,98%. Theo Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Trương Hữu Đồng, cần tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023. Mục tiêu của Đam Rông đến ngày 30/9 đạt từ 70% kế hoạch trở lên và đến 31/12/2023 đạt từ 95% trở lên; phấn đấu tới thời điểm 31/01/2024, huyện đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn được phân bổ. “Đối với nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tổ chức triển khai thực hiện và giải quyết nguồn vốn theo quy định”, ông Đồng cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin