Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân địa phương, thời gian qua, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà đã lồng ghép các chương trình và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng phát triển.
Nhờ sự hỗ trợ và đồng hành của chính quyền địa phương, đến nay, gia đình ông Vụ có thu nhập cao từ trồng xen cà phê, sầu riêng |
Từng là địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, giờ đây, Đan Phượng dần “thay da đổi thịt”. Những tuyến đường bê tông sáng - xanh - sạch - đẹp và những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát nhau... đã làm bừng sáng cả một vùng quê nghèo khó năm nào. Có được kết quả trên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đan Phượng đã và đang thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững.
Phấn khởi trước kết quả này, ông Nguyễn Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho hay, với sự chuyển đổi cách tiếp cận giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, toàn xã tập trung thực hiện nhiều giải pháp khác nhau trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2020 - 2025. Công tác tuyên truyền về giảm nghèo được Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã thường xuyên triển khai thực hiện nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, đặc biệt đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, xã tập trung thực hiện lồng ghép những nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho hộ nghèo.
Nhờ được tuyên truyền, vận động và chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để phát triển kinh tế, đến cuối năm 2015, gia đình ông Nguyễn Đức Vụ (67 tuổi, thôn Nhân Hòa) đã được thôn rà soát đảm bảo đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Ông Vụ cho hay, năm 1996, ông từ Bắc Ninh vào xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà sinh sống và lập nghiệp. Phần lớn lúc đó gia đình chỉ biết trồng cà phê để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, ít lâu sau bản thân ông mắc bệnh sỏi mật phải đi mổ nhiều lần nên đời sống gặp nhiều khó khăn. “Sau khi bàn bạc với vợ vay mượn ngân hàng và hỗ trợ vay vốn của địa phương, năm 2017, tôi bắt đầu trồng xen cà phê, hơn 1.000 gốc cam và 100 cây sầu riêng trong vườn. Dự kiến năm nay, gia đình thu về 10 tấn sầu riêng với giá bán cho thương lái tại Di Linh mua nguyên vườn là gần 800 triệu đồng” - ông Vụ nói.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân, xã Đan Phượng tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng và triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để các hộ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đang có hiệu quả tại địa phương, nhất là đối với hộ nghèo.
Hiện, toàn xã có 1.575 hộ với 5.737 nhân khẩu; trong đó có 14 dân tộc anh em đang cùng sinh sống. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tại sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, số hộ nghèo chung của địa phương là 85 hộ, chiếm tỷ lệ 5,35%; trong đó số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 24 hộ, chiếm tỷ lệ 15,38%. Đến nay, tổng thu nhập bình quân đầu người ước thực hiện đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được tăng lên. Mức sống dân cư được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Qua đó, cho thấy Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương trong việc chung tay hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn toàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng khẳng định, trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo và quyết tâm giảm nghèo bền vững, UBND xã tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Đặc biệt là những hộ đã thoát nghèo cần nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng. Bên cạnh đó, hàng năm, địa phương tích cực chỉ đạo khảo sát, nắm tình hình đời sống của những hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, phân loại ra từng nhóm hộ. Từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế từng hộ và từng nhóm nghèo, cũng như thực hiện mô hình giảm nghèo gắn với hoàn cảnh của từng hộ. Đi cùng với đó là làm tốt công tác chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động. Huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ những hộ thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tránh tái nghèo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin