Gia Bắc nửa nhiệm kỳ nỗ lực vượt khó

TUẤN HƯƠNG 06:27, 15/09/2023

Gia Bắc là xã đặc biệt khó khăn của huyện Di Linh với 98% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Với sự nỗ lực vượt khó, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội có những bước phát triển mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã được nâng lên rõ rệt.

Các trường học trên địa bàn xã Gia Bắc được đầu tư cơ sở vật chất,
đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trong xã
Các trường học trên địa bàn xã Gia Bắc được đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trong xã

Đồng chí Trần Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho hay, đời sống người dân trong xã hầu như chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, cà phê và bắp là hai loại cây trồng chủ lực nơi đây, tuy nhiên, nhiều diện tích cà phê già cỗi năng suất kém nên thu nhập của người dân bấp bênh. Trước thực trạng đó, địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung chỉ đạo công tác tái canh cải tạo cà phê giống mới có năng suất, chất lượng cao. Hiện, tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã hơn 1.480 ha, trong đó phát triển diện tích cà phê tái canh có năng suất cao hàng năm từ 30-45 ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha. Cùng với đó, người dân bắt đầu phát triển thêm một số cây trồng mới mang lại hiệu quả như sầu riêng, bơ, chuối, tiêu... Nhờ đó, đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đầu nhiệm kỳ 2020-2025 là 28 triệu đồng/người/năm, đến giữa nhiệm kỳ tăng lên 42 triệu đồng/người/năm (nghị quyết 35-40 triệu đồng); tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 95%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đầu nhiệm kỳ 11,5%, giữa nhiệm kỳ giảm xuống còn 8,9% (nghị quyết dưới 12%)...

Xã Gia Bắc đã tập trung triển khai các giải pháp giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo để các gia đình vươn lên thoát nghèo. Trong đó chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo và tiến hành cho các hộ đăng ký thoát nghèo, cận nghèo để phân công theo dõi, giúp đỡ; đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022 là 151 hộ (chiếm 20,6%), hộ cận nghèo 87 hộ (chiếm 11,9%); đến cuối năm 2022, hộ nghèo giảm xuống còn 121 hộ, hộ cận nghèo 97 hộ. 

Toàn xã có 5/5 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, 100% cơ quan giữ vững danh hiệu cơ quan văn hóa, trên 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Năm 2021, Gia Bắc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, xã duy trì triển khai thực hiện “Ngày thứ Bảy xây dựng nông thôn mới” trên toàn địa bàn để nâng cao chất lượng xã nông thôn mới. Địa phương cũng tăng cường công tác vận động Nhân dân làm đường giao thông nông thôn; làm ao, hồ nhỏ để phục vụ nước tưới tiêu chống hạn cho cây trồng vào mùa khô; xây dựng mô hình khu dân cư xanh gắn với chỉnh trang nhà cửa và giữ gìn vệ sinh môi trường; nhân rộng các mô hình tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn” trên 5 thôn và 4 cơ quan đóng trên địa bàn xã, xây dựng thôn Hà Giang đạt Khu dân cư kiểu mẫu, thôn Nao Sê đạt Khu dân cư tiêu biểu... 

Trên địa bàn hiện có 50% trường học đạt chuẩn quốc gia. Xã Gia Bắc đã chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất các điểm trường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trong xã... 

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Gia Bắc Trần Văn Hồng, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn có nhiều khó khăn. Trong đó, trình độ sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thương mại, dịch vụ tăng trưởng chậm... Do đó trong nửa nhiệm kỳ còn lại, xã Gia Bắc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng thực hiện có hiệu quả chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp hàng hóa cung ứng ổn định trên thị trường, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò, heo, dê theo quy mô hộ gia đình, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt... Cùng với đó, phát triển sản xuất theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ; khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế nhằm phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tiếp tục triển khai thực hiện phương án huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã...