Hoa tràm nở nơi chân đèo B40

DIỆP QUỲNH 06:07, 07/09/2023

Giữa xứ cao nguyên Bảo Lâm, những cây tràm ta, thứ hoa của vùng nước ngập đang nở những bông hoa vàng li ti. Đây là công trình của những người lao động, những người giữ rừng thuộc Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Lâm, huyện Bảo Lâm.

 Vùng sình trồng tràm ta tại Tiểu khu 435, chân đèo B40
Vùng sình trồng tràm ta tại Tiểu khu 435, chân đèo B40

NƯỚC NGẬP GIỮA RỪNG CAO NGUYÊN

Anh Trương Văn Tuân - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty vừa lấy đôi ủng cho khách đi, vừa giới thiệu, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm quản lý 20.681,9 ha rừng. Trong đó, có gần 4.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn và gần 17.000 ha đất rừng sản xuất, gồm 27 tiểu khu thuộc địa giới hành chính của 4 xã B’Lá, Lộc Phú, Lộc Quảng, Lộc Lâm và thị trấn Lộc Thắng. Điều khá đặc biệt, anh Tuân bảo, dù là cao nguyên nhưng diện tích rừng quản lý vẫn có đất sình lầy, bán ngập, thậm chí có khu còn ngập gần như quanh năm. Diện tích đất ngập là nơi sinh sống của các loại lau, sậy chứ không cây trồng nào sống nổi. 

Anh Tuân chia sẻ, vùng sình ngập nằm rải rác trong các tiểu khu. Có tiểu khu như 435 chỉ ngập vào mùa mưa, sau vài cơn mưa rừng là nước dâng lên. Có tiểu khu thì ngập gần như quanh năm như 410, địa hình quá trũng nên chỉ có lau sậy. Tất cả diện tích rừng thuộc quyền quản lý của đơn vị đều được trồng các loại cây theo quy hoạch. Riêng diện tích đất bán ngập, đất sình là nỗi trăn trở của những người giữ rừng. 

“Diện tích đất ngập của công ty khoảng 20 ha, nằm rải rác tại các tiểu khu. Đất ngập nên cây không sống được, dù là cây bản địa. Mùa mưa, muốn đi kiểm tra rừng, anh em phải lội bì bõm, nước thường xuyên cao ở mức 30-40 cm, chưa kể lượng bùn dẻo quánh. Nhưng đây cũng là mối nguy với diện tích rừng vì đã xuất hiện tình trạng người dân đào mương rút ngập, canh tác trên phần đất sình, làm ảnh hưởng tới sự an toàn của những khu rừng phòng hộ quý giá, phải xử lý rất phức tạp. Và tập thể công ty cứ trăn trở mãi về việc làm cách nào để có thể khắc phục diện tích đất sình, bán ngập, tạo lập vùng sinh thái rừng phù hợp và bảo vệ an toàn cho rừng đầu nguồn”, anh Trương Văn Tuân kể lại. 

• HOA TRÀM NỞ NƠI CHÂN ĐÈO B40

Tự hào giới thiệu cành hoa với những cụm lông vàng li ti, anh Trương Văn Tuân cho biết, đây là bông của cây tràm ta, thứ cây bản địa vùng nước ngập đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2021-2022, những cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã thử nghiệm trồng một số loại cây của vùng miền Tây Nam Bộ, nơi có vùng đất ngập truyền thống. Cây gáo vàng, gáo đỏ, tràm ta..., cuối cùng, chỉ còn cây tràm ta có thể sống sót và phát triển tốt trên đất bán ngập, đất sình. “Chúng tôi đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau tại Tiểu khu 435, ngay chân đèo B40. Đây là khu sình rộng 3,53 ha, thường xuyên ngập nước vào mùa mưa. Cuối cùng, thấy cây tràm ta phát triển phù hợp nhất và mùa mưa năm 2023, CĐCS vận động người lao động thực hiện công trình sản phẩm chào mừng đại hội công đoàn các cấp, ra quân trồng rộng rãi cây tràm ta trên toàn bộ vùng sình Tiểu khu 435. Những cây tràm trồng thử nghiệm lứa đầu tiên đã ra bông và phát triển rất tốt, chúng tôi rất vui mừng”. 

Anh Trương Văn Tuân mơ ước, trong tương lai, khi cây tràm ta thực sự phát triển, tạo thành một vùng sinh thái bán ngập nước, những đàn cò sẽ về trên những cánh rừng Bảo Lâm. Theo anh, cây tràm ta được chọn vì ngoài khả năng phát triển phù hợp trên đất bán ngập, đất sình khu vực Bảo Lâm, tràm ta còn là giống cây có khả năng tái sinh mạnh mẽ. Cây ra hoa, kết quả và quả phân tán rộng, nảy mầm, bén rễ rất nhanh trên vùng đất bán ngập, thích hợp với độ sâu 40 - 50 phân nước. 

Không chỉ người lao động của đơn vị trồng tràm, Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm còn vận động những người dân xung quanh giữ gìn diện tích tràm đang tuổi non nớt. Chị Ka Brẹo, cư dân Thôn 1, xã B’Lá cho biết, gia đình chị có nhận khoán bảo vệ rừng của công ty và cũng được cán bộ tuyên truyền về cây tràm ta trồng trong sình. Bởi vậy, mỗi lần tuần tra theo lịch, chị đều chú ý xem cây tràm có phát triển không, có bị cỏ che lấp không để báo cho cán bộ biết. Cùng với cán bộ của công ty, chị và nhiều bà con cũng tham gia làm cỏ cho tràm, giúp cây tràm non phát triển nhanh hơn.

Bắt đầu từ những bông hoa tràm nở trên đất sình nơi chân đèo B40, Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm đang tích cực chuẩn bị để mở rộng mô hình trồng tràm ta trên các diện tích đất sình, đất bán ngập nước do công ty quản lý. Anh Trương Văn Tuân cho biết, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm một vài loại cây trồng phù hợp trên đất sình, đất bán ngập để gia tăng độ đa dạng rừng, gia tăng hiệu quả từ rừng. Và điều quan trọng nhất, diện tích đất sình được trồng rừng sẽ gia tăng diện tích rừng tự nhiên, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn quý giá.