(LĐ online) - Sáng 14/9, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật (KH-KT) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Ông Trần Minh Châu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Lâm Đồng phát biểu đề dẫn |
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, các viện, trường, đơn vị nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các hội thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc ông Thái Văn Long - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH - KT Lâm Đồng chỉ rõ: Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người hay bất kỳ sinh vật sống nào trên trái đất. Nước mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, nước cũng là đầu vào, là nguyên liệu trong các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Không có nước sẽ không có sự sống. Nhiều năm qua, các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho các vùng cư dân tập trung.
Các nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết |
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch vẫn còn thấp, có sự bất bình đẳng việc tiếp cận nguồn nước sạch giữa thành thị và nông thôn, giữa khu vực đông dân cư tập trung gần thành thị, trung tâm xã, thị trấn với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đảm bảo nguồn nước sạch, làm giảm bớt khó khăn cho người dân là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền và của toàn xã hội. Hội thảo lấy mong muốn nhận được nhiều kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, nâng cao đời sống dân sinh.
Đề dẫn hội thảo nêu rõ: Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt đang thiếu về số lượng và suy giảm về chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 90,1% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 32,5% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Cả tỉnh có 276 công trình cấp nước nông thôn tập trung (215 giếng khoan, 61 công trình cấp nước tự chảy), có 33 xã đấu nối với 10 nhà máy cấp nước đô thị và 3 nhà máy cấp nước do doanh nghiệp đầu tư, cấp nước cho khoảng 40.000 hộ theo thiết kế.
Nhiều tham luận làm rõ các vấn đề hội thảo đặt ra |
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản, kế hoạch, nghị quyết hướng đến mục tiêu: đảm bảo số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, các lĩnh vực; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước sạch công bằng, hợp lý; tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác sử dụng hiệu quả đi đôi với đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai về nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; bảo bệ sức khỏe, nâng cao chất lượng của sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Phấn đấu đến năm 2030 có 90% hộ gia đình ở thành thị, 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.
Để đạt được những mục tiêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ các nội dung: Đánh giá thực trạng chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh, thấy được những hạn chế cần khắc phục và nhận diện những nguyên nhân; đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt như: nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về các biện pháp quản lý nhà nước, giải pháp về khoa học công nghệ, kỹ thuật, đầu tư, xã hội hóa, nhóm giải pháp về tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện.
Quang cảnh hội thảo |
Hội thảo đã nhận được 20 tham luận là tâm huyết, công sức nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, có thể kể: Nước sinh hoạt tại các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh - thực trạng và định hướng phát triển; Nước sinh hoạt tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nâng cao chất lượng nguồn nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng; Quản lý nguồn rác thải nông nghiệp khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt hồ Đan Kia - Suối Vàng; Thực trạng nguồn nước mặt và nước ngầm và một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh; Hiện trạng ô nhiễm môi trường nước do hoạt động sản xuất nông nghiệp, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước; Từ nông nghiệp công nghệ cao đến nguồn nước an toàn…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học xoay quanh các vấn đề đã được đóng góp cho hội thảo như: Quản lý nguồn nước; ô nhiễm đất và nguồn nước do phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề ảnh hưởng sức khỏe con người, bệnh tật do nguồn nước bị ô nhiễm; Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước; các giải pháp về quy hoạch nguồn nước, về sản xuất an toàn, về bảo vệ nguồn nước, về xử lý nước thải…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin