Trước vận mệnh lịch sử của quê hương, đất nước, cũng như bao người con quê hương đất võ Bình Định yêu nước, lúc bấy giờ, những chàng trai, cô gái như ông Thái và bà Hoa đã kiên cường, bất khuất, chiến đấu với kẻ thù. Trong số họ, biết bao người đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc và cũng nhiều người chịu cảnh lao tù, tra tấn của địch. Để rồi, ngày trở về với quê hương, họ được gặp lại nhau nên vợ thành chồng và sau 48 năm giải phóng, trong họ vẫn còn vẹn nguyên bao ký ức không thể nào quên.
Đồng chí Tôn Thiện Đồng - Bí thư Thành ủy Bảo Lộc đến thăm, tặng quà gia đình cựu tù cách mạng ông Thái, bà Hoa |
• TỰ HÀO LÀ NHỮNG CỰU TÙ CÁCH MẠNG
Tháng 8 mùa thu, trời B’Lao như dệt thêm nắng vàng để cùng cả nước chào mừng, kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc kháng 2/9 (1945 - 2023). Trời xế chiều, tôi có mặt tại nhà vợ chồng cựu tù cách mạng - ông Nguyễn Quốc Thái (75 tuổi, 58 tuổi Đảng) và bà Trần Nguyệt Hoa (71 tuổi) trên đường Phan Đình Phùng (Phường 2, TP Bảo Lộc) để được nghe những câu chuyện về một thời khói lửa chiến tranh. Hơn 8 tiếng đồng hồ, vợ chồng ông Thái, bà Hoa, say sưa kể với tôi những ký ức gian khổ, kiên trung của những người con đất võ Bình Định làm cách mạng, chiến đấu với kẻ thù.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Phù Cát (Bình Định), trong kháng chiến chống Mỹ và chính quyền tay sai, những chàng trai, cô gái như ông Thái, bà Hoa luôn tự hào về truyền thống bao đời của cha ông.
Cùng tham gia cách mạng, vào sinh ra tử, hai ông bà luôn có chung một niềm tin bất diệt để đi qua những năm tháng thăng trầm của quê hương, đất nước, hướng về ngày chiến thắng
Bà Hoa kể rằng: Lúc bấy giờ, trước sự áp bức, càn quét, cướp bóc tàn bạo của Mỹ, ngụy nên mỗi người dân Bình Định yêu nước đều tham gia cách mạng. Năm 1967, lúc mới 15 tuổi, bà đã xa gia đình tham gia cách mạng. Cách mạng đã bồi đắp cho người thiếu nữ niềm tin yêu quê hương, đất nước và yêu đồng bào tha thiết. Từ Phù Cát, bà chuyển tới hoạt động nội thành tại Quy Nhơn, làm nhiệm vụ liên lạc với cơ sở cách mạng ngoại thành để chăm sóc các đồng chí thương binh. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà chuyển vào tổ biệt động nội thành để cải trang, tiếp cận các mục tiêu của chính quyền tay sai tại Quy Nhơn. Ngày 11/6/1969, khi đang làm nhiệm vụ đặt chất nổ đồn bốt của địch thì bà bị bắt.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà Hoa gặp ông Thái là một chiến sĩ du kích bị thương cụt mất 1 chân được chính tay bà chăm sóc. Lúc bấy giờ, ở Quy Nhơn, ông Thái nổi tiếng là chiến sĩ du kích gan dạ khiến kẻ địch phải run sợ. Thậm chí quân địch còn ra thông báo trao thưởng cho những ai cung cấp thông tin để bọn chúng bắt được ông Thái.
“Sau khi bị địch bắt, trong suốt 4 năm từ 1969 đến 1973, tôi bị địch chuyển qua 9 trại giam từ Quy Nhơn vào Sài Gòn rồi ra Côn Đảo. Năm 1972, từ Nhà lao Thủ Đức, tôi cùng nhiều chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo. Suốt 4 năm ròng, tôi bị chúng tra tấn, đánh đập hàng trăm lần. Ở Côn Đảo, nơi được xem là “địa ngục trần gian”, tôi cùng những người con yêu nước luôn phải đối diện với bộ máy nhà tù ác độc của chính quyền tay sai. Chúng giam cầm, tra tấn chúng tôi trong các xà lim, chuồng cọp, hầm đá, chuồng bò… với những thủ đoạn hết sức tàn bạo, dã man khiến biết bao người con yêu nước phải hy sinh. Đối với chị em phụ nữ chúng tôi, không chỉ bị bọn cai ngục đánh đập, mà hàng ngày chúng còn tưới nước bẩn vào phòng giam, không cho tắm rửa. Thủ đoạn tra tấn của bọn cai ngục khiến thân hình chúng tôi phù thủng, lở loét, gầy ròm, không đủ sức để đứng. Thế nhưng, Côn Đảo lại là nơi nuôi dưỡng chúng tôi với ý chí, nghị lực kiên cường hướng về niềm tin chiến thắng” - bà Hoa kể về những tháng ngày bị tù đày tại Côn Đảo.
Bức ảnh về tình yêu son sắt thời thanh xuân của vợ chồng ông Thái, bà Hoa |
• TÌNH YÊU VƯỢT KHÔNG GIAN
Cũng giống như vợ mình, ông Thái tham gia du kích từ năm 17 tuổi và đến năm 18 tuổi thì bị thương cụt mất 1 chân. Hiện, ông Thái là thương binh với thương tật 64%.
Năm 1967, khi đang làm nhiệm vụ phục kích quân địch ở huyện Phù Cát thì ông bị thương. Năm 1969, gia đình tập kết ra Bắc, còn ông Thái ở lại Bình Định tiếp tục hoạt động cách mạng. Đầu năm 1971, khi đang tham gia một trận đánh tại Quy Nhơn, ông Thái bị địch bắt chuyển ra Nhà tù Phú Quốc giam cầm, tra tấn.
Ông Thái nhớ lại: “Sau khi bị địch bắt, chúng chuyển tôi ra Nhà tù Phú Quốc và giam tại trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam. Trong tù, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng chúng tôi, những chiến sỹ cộng sản vẫn không khuất phục, không chịu làm tay sai cho địch. Là đảng viên, tôi đã cùng nhiều đảng viên khác làm công tác quần chúng để bảo vệ Đảng trong tù. Ngay trong nhà tù, địch đã nổ súng vào tù binh khi ấy không có trong tay một tấc sắt hay vũ khí. Trong cuộc chiến với súng đạn, đòn thù, chúng tôi - những người chiến sỹ trong tù chỉ có sức mạnh của ý chí, lý tưởng và lòng tin vào thắng lợi của cách mạng và động viên nhau chờ ngày trở về”.
Một người bị địch giam cầm tra tấn tại Côn Đảo, người còn lại bị địch đày ra Phú Quốc. Thế nhưng, chỉ qua 2 lần gặp mặt trước lúc bị bắt, niềm tin chiến thắng và ý chí quật cường của những người cộng sản kiên trung đã dệt nên mối tình đặc biệt giữa ông Thái và bà Hoa. Trong tù, cho dù cái chết luôn cận kề, nhưng giữa 2 người vẫn luôn nhớ về nhau.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973, các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày tại các nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc được trao trả tự do. Sau khi được trao trả, ông Thái và bà Hòa gặp lại nhau tại Trại an dưỡng Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong niềm vui mừng hân hoan của những người chiến thắng.
“Lúc gặp lại nhau ở Sầm Sơn, giữa chúng tôi ai nấy đều vui mừng, hạnh phúc. Lúc đó, tôi 21 tuổi, còn ông Thái nhà tôi 25 tuổi. Trong thời gian tham gia cách mạng, chúng tôi gặp nhau rồi thầm thương, nhớ trộm chứ đâu kịp nói lời yêu thương của trai gái. Gặp lại nhau, tôi biết ông nhà tôi thương tôi lắm, nhưng có chút gì đó tự ti vì thân thể không còn lành lặn. Nhưng tôi luôn cảm thấy tự hào khi một phần thân thể của người tôi thương đã trao cho quê hương, đất nước. Vì thế, tôi nói với ông ấy, sau bao nhiêu gian khó, vào sinh, ra tử để rồi chúng tôi gặp lại nhau là số phận đã định sẵn. Ở đó, không chỉ có tình yêu nam nữ mà còn cả tình đồng chí, đồng đội. Tình yêu của chúng tôi, được tôi gói gọn trong tập thơ “Người chiến thắng!” - bà Hoa nhớ về tình yêu của ông bà lúc còn trẻ.
Sau khi miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, Bắc - Nam sum họp, ông Thái và bà Hoa quay trở về quê hương Bình Định rồi nên duyên vợ chồng. Năm 1982, ông Thái chuyển vào công tác tại Huyện ủy Bảo Lộc (cũ). Còn bà Hoa vào làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bảo Lộc cho đến lúc nghỉ hưu. Vợ chồng ông sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái) hiện đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định.
Dù ở giai đoạn nào, qua nhiều nhiệm vụ, vị trí công tác từ thời chiến, đến thời bình, nay tuổi đã cao, ông Thái và bà Hoa vẫn luôn gương mẫu đi đầu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, nuôi dạy con cháu học hành nên người.
Với những cống hiến cho quê hương, đất nước, ông Thái và bà Hoa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Hai ông bà đều là thương binh và là những cựu chiến binh mẫu mực tại địa phương. Riêng, ông Thái là một trong những đảng viên lão thành tiêu biểu, với 58 năm tuổi Đảng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin