Dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng những đoàn viên công đoàn của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bắc vẫn ngày ngày làm nhiệm vụ của mình, với tấm lòng tha thiết cùng rừng.
Kiểm tra cây dầu mới trồng tại bãi cát ven suối Đạ Tẻh |
Ông Nguyễn Văn Lộc - Cụm phó Tiểu khu 2, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bắc (Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc) đang đi kiểm tra những cây dầu mới trồng mùa mưa 2023. Dầu non được trồng tại khu bãi cát sau khi doanh nghiệp khai thác cát sỏi hoàn thành dự án khai thác trên suối Đạ Tẻh. Khu đất trống giờ đã lúp xúp những cây dầu non với bản lá to, được bảo vệ bằng rào tre kỹ càng, tránh va chạm, giúp cây non mau bén rễ, đâm chồi. Ông Lộc bảo, chỉ vài năm nữa thôi, dầu sẽ nhanh chóng vươn cao, bãi cát ven suối ngày nào sẽ là khu rừng dầu xanh mướt mát. Cũng như những cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc, ông Nguyễn Văn Lộc đang hàng ngày làm nhiệm vụ giữ gìn mảng xanh của rừng, với rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Quốc Thuấn - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc tâm sự, công ty quản lý xấp xỉ 27 ngàn ha rừng tự nhiên, nằm trên địa bàn những xã vùng xa nhất của huyện Bảo Lâm như Lộc Bảo, Lộc Bắc. Công ty có 32 người lao động, tất cả đều là đoàn viên công đoàn. Diện tích rừng của đơn vị quản lý nằm rất xa trung tâm huyện, diện tích lớn, quân số ít nên hầu hết anh chị em người lao động đều ở tại khu tập thể, cuối tuần mới về với gia đình. “Xa gia đình, công việc rất nhiều, địa bàn rộng, thực sự người lao động của công ty làm việc vất vả. Không chỉ làm việc chuyên môn, đội ngũ cán bộ còn phải theo sát bà con, cùng chính quyền địa phương vận động, khuyến khích, cùng bà con giữ rừng. Nói chung, đời sống của người lao động Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc còn gặp nhiều khó khăn”, ông Thuấn cho biết thêm.
Công ty là đơn vị chủ rừng, hiện có 25.700 ha rừng đã được giao khoán quản lý, bảo vệ cho các hộ dân sống trên địa bàn; ngoài việc quản lý số diện tích rừng còn lại, cán bộ của công ty phải thường xuyên theo sát các tổ tuần tra giữ rừng của bà con. Đoạn nào đất trống, phải lên kế hoạch trồng vào đúng mùa, có biện pháp chăm sóc, bảo vệ để cây phát triển tốt. Giữa mênh mông đồi núi, với địa bàn xa trung tâm, thiếu thốn nhiều tiện ích, người lao động của đơn vị cũng phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những cán bộ chuyên trách còn là đội ngũ tuyên truyền tích cực, gắn bó với bà con địa phương. Chị Ka Xuân, cư dân Thôn 1, xã Lộc Bắc cho biết, chị nhận khoán 15 ha rừng của công ty. Bà con nhận khoán diện tích gần nhau tập trung thành tổ 70 người, chia ca để ngày nào cũng có đội đi kiểm tra, bảo vệ. Chị cũng như bà con trong tổ được anh em quản lý hỗ trợ nhiệt tình, có anh em còn nói được tiếng người Mạ nên bà con rất quý mến.
Để anh chị em yên tâm công tác, yên tâm bám rừng, giữ rừng, CĐCS Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc đã phối hợp với Ban Giám đốc chăm lo cho đời sống của người lao động. Ông Nguyễn Minh Chí - Chánh Văn phòng công ty, là người gắn với rừng Lộc Bắc 34 năm, cho biết, đơn vị cố gắng hết sức để chăm lo cho đời sống và thu nhập của người lao động. Vì hầu hết anh chị em đều ở xa, công ty đã xây dựng và luôn giữ khu tập thể, bếp ăn khang trang, gọn gàng, sạch sẽ để người lao động có nơi ăn chốn ở sau mỗi ngày làm việc. Về thu nhập, đặc thù công ty gần như không có sản xuất, người lao động chỉ có thu nhập từ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ Nhà nước nên lương của anh chị em cũng không cao. Công ty hết sức tiết kiệm để có nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, đảm bảo tới tháng nhận lương, không nợ, không thiếu. Ông Chí tâm sự: “Như bản thân tôi, gắn bó với rừng Lộc Bắc từ năm 1989, đã 34 năm công tác trong ngành. Nhiều anh em trong đơn vị cũng có thời gian làm việc dài tại công ty, tất cả đều chung mục đích giữ màu xanh cho rừng núi. Vì vậy, Ban Giám đốc nỗ lực cố gắng, phối hợp với tổ chức Công đoàn chăm lo cho anh em yên tâm làm việc”.
Anh Trần Quốc Thuấn chia sẻ, khó khăn là vậy, CĐCS của công ty luôn gần gũi, sâu sát, thấu hiểu tâm tư, đời sống của từng anh em, nhất là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng này có 26 người, là bộ phận phải thường xuyên lội rừng, nhất là vào cao điểm mùa khô. Để anh em yên tâm bám rừng, ngoài nơi ăn chốn ở an toàn, CĐCS tổ chức phong trào tập luyện thể dục thể thao với các môn như bóng chuyền, bóng đá, vừa là niềm vui, vừa tăng cường sức khỏe. Lương, phụ cấp ăn trưa, tiền thưởng lễ, tết, thăm nom hiếu, hỉ…, CĐCS đều thực hiện rất trách nhiệm, nhiệt tình. Cũng vì vậy, công ty thu hút được người lao động làm việc, gắn bó với màu xanh của đất rừng Lộc Bắc, Lộc Bảo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin