Những đổi thay từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở xã vùng ven Đà Lạt

NGUYỄN NGHĨA 06:11, 29/09/2023

Tà Nung là xã vùng ven của TP Đà Lạt và chỉ cách trung tâm thành phố một cung đèo ngắn, từng bước đang tạo dựng cho mình những nét văn hóa rất riêng…

Một không gian văn hóa đậm chất 
dân tộc Tây Nguyên ở Tà Nung
Một không gian văn hóa đậm chất dân tộc Tây Nguyên ở Tà Nung

TỪ VÙNG ĐẤT ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ 

Xã Tà Nung nằm cách trung tâm TP Đà Lạt 17 km về phía Tây Nam, có độ cao trên 800 m so với mặt biển. Là vùng đất có địa hình lòng chảo nằm lọt giữa những ngọn đồi, hiện, xã Tà Nung có trên 50% dân cư là các dân tộc thiểu số (DTTS) gốc bản địa.

Theo Địa chí Đà Lạt, Tà Nung thuở sơ khai là vùng đất của người Srê. Về sau, nhiều dòng họ từ nơi khác đến lập nghiệp đã làm cho cộng đồng cư dân ở đây phong phú dần lên, trong đó đáng kể là từ đầu thế kỷ XX, một nhóm người Cill từ Đam Rông du canh du cư đến Tà Nung. Khoảng đầu những năm 1950, một nhóm người Cill khác cũng từ vùng Lạc Dương dịch chuyển theo hướng Tây Nam đã đến sinh sống trên vùng đồi ở hướng Tây Bắc Tà Nung. 

Sau năm 1975, Tà Nung là khu quy hoạch định canh định cư của người DTTS. Các nhóm DTTS cũ ở Tà Nung, Mănglin và một nhóm người Cill ở Đưng K'nớ, Đạ Chais, Đạ Long (huyện Lạc Dương) được đưa về định canh định cư ở vùng đất này và chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa, bắp, dâu tằm, cà phê... Từ những năm 1980, một bộ phận người Kinh cũng được di chuyển vào Tà Nung theo chính sách kinh tế mới và cũng chủ yếu khai hoang, làm nông nghiệp.

Vốn là vùng đất kinh tế mới, trong giai đoạn trước đây, do áp lực về kinh tế nên đời sống văn hóa ở vùng này có thể nói là khá đơn điệu và ít được người dân quan tâm chú trọng mặc dù xã có tỷ lệ người đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên khá cao cùng cộng đồng dân cư kinh tế mới đến từ nhiều vùng đất khác nhau.

ĐẾN VÙNG VEN ĐẬM NÉT RIÊNG

Thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), Tà Nung những năm gần đây đã có rất nhiều đổi thay. Thay đổi lớn nhất phải kể đến đó là nếp nghĩ, nếp sống văn hóa trong từng cá nhân, từng gia đình, cộng đồng dân cư thay đổi rõ rệt. Người dân dù chưa giàu có về kinh tế, nhưng đã dần ý thức hơn trong giữ gìn nếp sống, nét văn hóa riêng của dòng tộc, của gia đình, của dân tộc mình. Cũng chính từ những thay đổi trong suy nghĩ đó đã góp phần làm cho các giá trị văn hóa ở xã Tà Nung ngày càng được quan tâm, gìn giữ, phát triển và thấm sâu vào mọi mặt của đời sống. Vị thế của xã Tà Nung nhờ đó cũng dần khẳng định được vị trí vô cùng quan trọng của văn hóa vùng ven của TP Đà Lạt, để lại những dấu ấn khá đẹp, thú vị trong lòng du khách bốn phương.

Trao đổi với tôi, lãnh đạo UBND xã Tà Nung cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân xã hiện nay đã ngày càng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của văn hóa đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy mà Phong trào TDĐKXDĐSVH được chính quyền và Nhân dân đặc biệt quan tâm, chú trọng. Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH xã hoạt động theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, quan tâm lưu giữ, phát triển những nét văn hóa bản địa riêng, độc đáo. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa đối với cộng đồng được đặc biệt chú trọng. Vì vậy mà công tác xã hội hóa văn hóa, thể thao ngày càng được toàn dân quan tâm; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi, nội dung phong phú, đa dạng ở nhiều môi trường, khu vực. Nhận thức của Nhân dân trong việc coi trọng văn hóa, nhất và việc giữ gìn đạo đức văn hóa gia đình, dòng họ cũng có những chuyển biến rõ nét. Xã còn chú trọng lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn xã.

Là xã vùng ven, kinh tế có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lại có tỷ lệ khá đông đồng bào DTTS sinh sống; nên phong trào đoàn kết giúp nhau “xóa đói giảm nghèo” được xã đặc biệt chú trọng. Các hoạt động tương thân tương ái được Nhân dân trong xã tham gia hưởng ứng, như phong trào giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận các nguồn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đóng góp, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”... Nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được sự hỗ trợ của một số đơn vị khoa học cũng được triển khai cho bà con trong xã; từ đó góp phần thay đổi nhận thức và tư duy của bà con trong định hướng phát triển kinh tế, nhiều hộ dân cũng đã chủ động học tập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô trong sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao và đạt được tiến bộ đáng kể trong phát triển kinh tế.

Kinh tế phát triển hơn, xã cũng mạnh mẽ hơn trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng, phát huy bản sắc dân tộc. Xã hiện vẫn duy trì và thường xuyên tham gia Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Những hủ tục cũng đã dần được xóa bỏ, quan hệ ứng xử cởi mở, thân thiện, tình làng, nghĩa xóm được phát huy. Đặc biệt, một số thôn đã phát huy tốt bản sắc văn hóa của các dân tộc, khôi phục và duy trì ngành nghề truyền thống… tạo ra sự đa dạng và bản sắc văn hóa riêng cho vùng đất Tà Nung.

Có thể nói rằng, việc thực hiện tốt Phong trào TDĐKXDĐSVH đã mang lại sự đổi thay khá lớn cho Tà Nung, góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Từ đó, đã tạo ra môi trường văn hóa ở xã vùng ven có những đổi thay ngoạn mục, môi trường sống ngày càng được cải thiện theo hướng lành mạnh, mang đậm bản sắc.