CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỘNG ĐỒNG NĂM 2023:
Phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần

AN NHIÊN 03:50, 06/10/2023

Theo kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người mắc các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác (gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng. 

BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp - Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Trung tâm 
Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đang khám cho bệnh nhân chương trình bảo vệ sức khỏe 
tâm thần cộng đồng
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp - Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đang khám cho bệnh nhân chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng

Hiện nay, hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần được triển khai trong chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, hiện đang quản lý 1.154 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.580 bệnh nhân động kinh và 27 bệnh nhân trầm cảm. 

Mạng lưới 100% trạm y tế xã triển khai hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần với tỷ lệ bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý và điều trị đạt 100%. Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần phân liệt được phục hồi chức năng tại cộng đồng chiếm 99,1%. Số bệnh nhân động kinh được quản lý 100% và được điều trị đều đạt 98,6%; tỷ lệ bệnh nhân động kinh được phục hồi chức năng tại cộng đồng đạt 98%.

Tất cả các trạm y tế xã thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh với 100% cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần các tuyến được đào tạo tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý, chẩn đoán, điều trị bệnh theo quy định. Hệ thống y tế cơ sở trong tỉnh đang thực hiện khám sàng lọc cho người thuộc đối tượng được sàng lọc định kỳ một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh và phát hiện người mắc trầm cảm để đưa vào chương trình quản lý, điều trị.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng: Tham gia khám hỗ trợ, hội chẩn và cấp thuốc điều trị cho phạm nhân có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần tại Trại giam Đại Bình; khám sàng lọc phân loại bệnh cho các đối tượng tại Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức (huyện Đức Trọng). Tổ chức khám hội chẩn cho bệnh nhân chương trình, khám sàng lọc và điều chỉnh liều thuốc, kê đơn cấp thuốc, tư vấn phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh tại các huyện, địa phương trong tỉnh… 

Theo kế hoạch hoạt động 3 tháng cuối 2023, chương trình hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đảm bảo công tác khám, điều chỉnh liều thuốc, tư vấn phục hồi chức năng cho bệnh nhân chương trình tại 12 đơn vị y tế trên toàn tỉnh. Công tác chỉ đạo tuyến nhằm thực hiện chỉ tiêu chuyên môn: Tiếp tục, quản lý điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh trên 12 huyện, thành phố trong tỉnh; duy trì hoạt động phòng khám tâm thần; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chuyên môn, hoàn thành mục tiêu chung của chương trình hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng; xây dựng và triển khai giám sát hoạt động của 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

Ngoài ra, kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu cụ thể đối với việc phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, chính quyền, các sở, ban, ngành, tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần. Đảm bảo 100% các huyện, thành phố có kế hoạch liên ngành phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn đến 2025. Thực hiện đầy đủ các quy định, chính sách để kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng các rối loạn sức khỏe tâm thần. Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc rối loạn sức khỏe tâm thần. Có 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần. Ít nhất 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn để biết theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm rối loạn sức khỏe tâm thần.

Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người rối loạn sức khỏe tâm thần. Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện.

Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần. Có 100% huyện, thành phố có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 60% số huyện có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm và 50% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người mắc một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Có 100% trạm y tế xã thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 50% số trạm y tế xã quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm. Có 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần các tuyến được đào tạo tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý, chẩn đoán, điều trị bệnh theo quy định. Phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.

 Đảm bảo 100% trạm y tế xã và các cơ sở y tế liên quan thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê báo cáo đầy đủ kết quả dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị và nguyên nhân tử vong do rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định. Với 95% cán bộ đầu mối giám sát, thống kê báo cáo các tuyến được tập huấn về giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo các ca rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.