DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN:
Tiếp tục kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

DIỆU HIỀN 00:20, 17/10/2023

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 và Chỉ thị của Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Hội (Đức Trọng) tư vấn sức khỏe, thông tin về tình hình 
chênh lệch giới tính khi sinh cho phụ nữ trên địa bàn
Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Hội (Đức Trọng) tư vấn sức khỏe, thông tin về tình hình chênh lệch giới tính khi sinh cho phụ nữ trên địa bàn

KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ TỐC ĐỘ GIA TĂNG TỶ SỐ GIỚI TÍNH KHI SINH 

Tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2022 trung bình hằng năm giảm 0,68 điểm/năm. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (cao hơn toàn quốc 1,1 điểm); đến năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh 108 trẻ trai/100 trẻ gái (tương đương toàn quốc). 

Sau 7 năm thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh năm sau thấp hơn năm trước, trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc có xu hướng tăng.

Có 9/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh giảm, địa phương giảm nhiều nhất là Đạ Tẻh (13,4 điểm); có 3/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh tăng, địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất là Bảo Lâm (9,4 điểm), Đam Rông (7,3 điểm).

Khoảng cách chênh lệnh tỷ số giới tính khi sinh giữa các địa phương thay đổi giữa các nhóm. Năm 2015 có 8/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh rất cao (trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống), có 2/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao (từ 109 -112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống) và có 2/12 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng (dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống). 

Năm 2022 có 4/12 huyện (Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Bảo Lâm - nhóm 1) tỷ số giới tính khi sinh trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống (giảm được 4 huyện, thành phố); có 4/12 huyện (Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương -nhóm 2) có tỷ số giới tính khi sinh từ 109-112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống (tăng 2 huyện, thành phố) và 4/12 huyện, thành phố (Đạ Huoai, Di Linh, Đà Lạt, Bảo Lộc - nhóm 3) có tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống (tăng 2 huyện, thành phố).

Để đạt thành quả này nhờ công tác truyền thông vận động với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu là yếu tố quyết định tới thành công của việc thực hiện chính sách DS nói chung và giảm tỷ số giới tính khi sinh nói riêng. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa đến việc thực hiện các mục tiêu DS. Thực tế cho thấy, những nơi cán bộ, đảng viên gương mẫu thì công tác DS được quan tâm và thực hiện tốt. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục trong việc xử lý vi phạm các đối tượng liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi... 

• BƯỚC SANG GIAI ĐOẠN MỚI 2023-2025

Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh xác định mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bình quân 0,4 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này đạt dưới mức 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2025. Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng dưới 112 tại 4 huyện, thành phố; đưa tỷ số này đạt khoảng dưới 109 tại 4 huyện, thành phố; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 107 tại 4 huyện, thành phố vào năm 2025.

Kế hoạch của đề án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung vào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; những đơn vị, người có liên quan đến cung cấp dịch vụ siêu âm, chẩn đoán thai nhi và gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh, thiếu niên.

Nhiệm vụ, hoạt động cụ thể bao gồm: Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các trường chính trị, trung học phổ thông, trường y trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…