DỰ ÁN QUỸ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TỈNH LÂM ÐỒNG NĂM 2023:
10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

AN NHIÊN 06:07, 24/10/2023

Sau 10 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá tại Lâm Đồng, nhận thức của người dân về lĩnh vực này ngày càng được nâng lên, chuyển đổi ý thức, hành vi bảo vệ bản thân, những người xung quanh và bảo vệ môi trường sống. Công tác tuyên truyền ngày càng được người dân tiếp cận đầy đủ thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe.

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Lâm Đồng tham gia Hội thi Tuyên truyền về PCTH của thuốc lá
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Lâm Đồng tham gia Hội thi Tuyên truyền về PCTH của thuốc lá

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG THUỐC LÁ TẠI LÂM ĐỒNG

Theo kết quả điều tra PGATS (nghiên cứu định lượng dựa trên phỏng vấn trực tiếp) năm 2020 tại Lâm Đồng cho thấy tỷ lệ người trưởng thành hiện đang hút thuốc lá là 23,4%; trong đó hút thuốc lá hằng ngày chiếm 20,3% và 3,1% thỉnh thoảng hút thuốc lá. Có 23,4% người tuổi từ 15 trở lên (bao gồm 43,9% nam giới và 2,8% nữ giới) đang hút thuốc. Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá ở các cơ quan nhà nước là 41,3%; cơ sở y tế 26,0%; nhà hàng 71,3%; phương tiện giao thông công cộng 34,3%; trường phổ thông 21,6% và trường đại học, cao đẳng 51,8%. Tỷ lệ nữ giới phơi nhiễm thuốc lá nơi làm việc 22,3%. Như vậy, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành nói chung thấp hơn so với điều tra năm 2018 tại Lâm Đồng (26,04%).

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PCTH CỦA THUỐC LÁ

Từ khi Luật PCTH của thuốc lá có hiệu lực đến nay, công tác PCTH của thuốc lá đã được triển khai tương đối đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá tỉnh Lâm Đồng được thành lập và kiện toàn khi có thay đổi thành viên nhằm chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai thực hiện Luật PCTH của thuốc lá. Việc triển khai thực thi Luật PCTH của thuốc lá được UBND tỉnh chỉ đạo tích cực từ việc xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ các sở, ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được quan tâm chỉ đạo và coi là nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi trong công tác PCTH của thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Việc quán triệt, phổ biến, thông tin tuyên truyền được triển khai một cách sâu rộng nên nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây.

Giai đoạn 2013-2022, Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động PCTH của thuốc lá. Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá, tổ chức thực hiện các hoạt động PCTH của thuốc lá theo chức năng nhiệm vụ được giao như các hoạt động: Đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc đưa vào nội quy, quy chế của đơn vị, hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố; tổ chức ký cam kết về việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá; không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Sau khi Luật PCTH của thuốc lá có hiệu lực, hằng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá tỉnh kịp thời ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật và các hoạt động về PCTH của thuốc lá, chỉ đạo các hoạt động tăng cường tuyên truyền Luật PCTH của thuốc lá, truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá, Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá… 

Các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ vào kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá tỉnh để hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động về PCTH của thuốc lá; ban hành các văn bản, quy chế, quy định thực hiện nghiêm PCTH của thuốc lá tại công sở, nơi làm việc, địa điểm công cộng… và phối hợp tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá, triển khai các hoạt động PCTH của thuốc lá theo quy định. 

THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 10 năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá tại Lâm Đồng có nhiều thuận lợi là được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự nghiêm túc chấp hành của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân và sự ủng hộ của người dân trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Nhận thức của người dân, cộng đồng về hút thuốc lá thụ động đã được nâng cao.Giai đoạn 2015-2022, được sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của Quỹ PCTH của thuốc lá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các hoạt động PCTH của thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn là một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, phổ biến về PCTH của thuốc lá và pháp luật về PCTH của thuốc lá, do đó, việc bố trí các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này như con người, cơ sở vật chất, kinh phí… còn hạn chế. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến; các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt. Một số cơ quan, đơn vị, địa điểm mặc dù có quy định cấm hút thuốc nhưng còn mang tính hình thức, tình trạng hút thuốc vẫn còn diễn ra phổ biến, khó kiểm soát như tại các địa điểm nhà hàng, quán ăn, bến xe… Việc bố trí nguồn lực cho công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm còn hạn chế; công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do hành vi hút thuốc lá diễn ra nhanh, khó xác định vi phạm khi không được sử dụng các thiết bị nghiệp vụ nên hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn do điều kiện địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, tập quán sử dụng thuốc lá, thuốc lào vẫn còn phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày.