Già làng K’Diệp ở Lộc Bắc

H.THẮM - H.LY 06:06, 09/10/2023

Trải qua những năm tháng bom đạn trên mảnh đất anh hùng, giờ đây, già làng K’Diệp trở thành điểm tựa tinh thần cho con cháu, là cầu nối để những chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống của người dân Châu Mạ ở Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm).

Những kỷ vật được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận
Những kỷ vật được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận

Trong những câu chuyện xưa kể lại, già làng K’Diệp (Thôn 2, xã Lộc Bắc) dường như vẫn còn nhớ rành rọt mốc thời gian, từng địa danh, từng trận đánh ác liệt mà đế quốc Mỹ càn quét khắp các khu vực Quốc lộ 14 và 20. 

Già làng K’Diệp sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Đó là điều khiến ông luôn mãi mãi tự hào. Tổ quốc ghi công, đến nay, ông vẫn giữ cẩn thận Huân chương Kháng chiến hạng Ba của cha mẹ, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của ông và người vợ quá cố Ka Đơm. Cảm giác mỗi lần đôi tay run run chạm đến, là bao ký ức ùa về. 

Ông bảo, mình cũng như bao người Châu Mạ ở đất này, đi theo tiếng gọi oai hùng của lớp người đi trước, tham gia kháng chiến từ khi là chàng trai vừa tròn đôi mươi. Khắp vùng rừng núi này chẳng biết đã in hằn biết bao dấu chân của ông.

“Nhớ những năm 1970, 1971, mình làm giao liên, nhận nhiệm vụ đưa thư từ huyện ủy K1 đến những vùng căn cứ khác. Cứ hàng tuần, đi bộ xuyên rừng, gặp biết bao lần địch càn quét. Cũng chẳng biết khoảng cách là bao xa, nhưng mỗi lần như thế là 2 người đi 2 ngày len lỏi khắp các cánh rừng già. Nguy hiểm thế nhưng cũng chẳng sợ sệt gì, vì biết rằng nhiệm vụ của mình là quan trọng hơn”, già K’Diệp kể.

Theo các tài liệu ghi lại, Lộc Bắc cách thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) chừng 40 km, tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông (phía Bắc), giáp huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (phía Tây), điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bởi có vị trí hiểm trở, núi cao, rừng sâu trùng điệp, có nhiều sông, suối; đồng thời, tiếp giáp với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và Chiến khu Đ nên ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, Lộc Bắc được xác định là địa bàn trọng yếu của cách mạng...

Năm 1961, vùng Lộc Bắc được xây dựng thành “Căn cứ Bắc” gồm 4 xã (xã 1, 2, 3 và 7 - thuộc huyện K1). Đây là căn cứ cách mạng quan trọng và bảo vệ hậu cứ vững chắc, nhiều lần lực lượng du kích xã Lộc Bắc được Tỉnh ủy Lâm Đồng, Huyện ủy K1 chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng địa phương đánh hàng chục trận chiến ác liệt, tiêu diệt nhiều đối tượng địch.

Câu chuyện chiến đấu bảo vệ quê hương của ông và dân làng khi đó nếu kể ra, chắc phải tính bằng ngày, bằng tháng. Trong căn nhà nhỏ, già làng K’Diệp cũng còn giữ Huân chương Giải phóng hạng Ba được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng cho Nhân dân, cán bộ xã 7 vì đã có nhiều thành tích xuất sắc toàn diện trong công tác, phục vụ chiến đấu năm 1968, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến ngày hòa bình, rất nhiều dấu vết chiến tranh để lại. Hai xã Lộc Bắc, Lộc Bảo cũng vì thế gặp nhiều khó khăn bởi xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý không thuận lợi. Thế nhưng giờ đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, vùng lõi cách mạng ngày nào đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống của Nhân dân cũng khấm khá hơn nhờ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý.

Ở tuổi 70, ông cùng với lớp người uy tín, già làng trở thành cầu nối, hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền tại địa phương nhất là các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông cũng luôn luôn động viên con cháu cố gắng giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc Mạ của mình, trong đó, điển hình như văn hóa cồng chiêng, các phong tục, lễ hội, những bài dân ca…

“Điển hình là trong xây dựng nông thôn mới, những già làng với uy tín và khả năng tuyên truyền đặc biệt của mình đã vận động người dân hiến đất, cùng với địa phương tham gia xây dựng quê hương. Rồi trong việc giáo dục tư tưởng thì chính họ cũng là những người đã làm rất tốt”, đồng chí Ka Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc cho biết.

Những người như già làng K’Diệp chính là những nhân chứng sống cho lịch sử cũng như đổi thay nơi mảnh đất này. Vào những dịp lễ, tết hay những ngày kỷ niệm, chính quyền địa phương cũng thường xuyên thể hiện sự quan tâm bằng nhiều cách. Những cán bộ trẻ lớn lên từ buôn làng như chị Ka Hương cũng nhờ những câu chuyện kể lại từ những người đi trước mà nuôi dưỡng trong mình khát khao xây dựng buôn làng, tìm nhiều cách để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.

Bên cạnh căn nhà xây khang trang sinh sống cùng con cháu, già làng K’Diệp vẫn giữ cho mình một gian nhà gỗ nhỏ, chứa đựng những ký ức của ông cùng với một số hiện vật như chum, chóe gia đình đã sử dụng từ xa xưa. Cùng với cán bộ, người dân địa phương lưu giữ các giá trị truyền thống, già làng K’Diệp cũng chỉ mong rằng người Châu Mạ mãi mãi còn giữ được những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, và con cháu, dù có đi đâu về đâu vẫn phải luôn nhớ về nguồn cội.