Gương sáng hòa giải viên tiêu biểu

NHẬT MINH 06:07, 09/10/2023

Trong suốt 10 năm làm công tác hòa giải tại cơ sở, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, bà Cà Thị Phương (thôn Tân Trung, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng) đã cùng với các thành viên của Tổ hòa giải thôn kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư. Bà cũng là một trong số 29 hòa giải viên cơ sở tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Cà Thị Phương vẫn nhiệt tâm với từng công việc mà mình đang đảm nhiệm
Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Cà Thị Phương vẫn nhiệt tâm với từng công việc mà mình đang đảm nhiệm

Là thành viên Tổ hòa giải, bà Cà Thị Phương được phân công phụ trách 1 xóm, với 120 hộ, để nắm bắt tình hình ở xóm, cũng như kịp thời giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh. “Là hòa giải viên nên khi tiếp nhận vụ việc, tôi luôn lắng nghe từ 2 phía; đồng thời, tôi cùng với các thành viên trong Tổ hòa giải của thôn sẽ tập hợp những tài liệu, nghiên cứu thực tế, diễn biến vụ việc, dư luận Nhân dân và quy định của pháp luật để tìm cách giải quyết và tổ chức hòa giải sao cho thấu tình đạt lý” - bà Phương chia sẻ.

Trong 10 năm (từ năm 2013 đến nay) tham gia công tác hòa giải, bà luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tốt với các chi hội, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn dân cư để nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân để giải quyết ngay tại cơ sở. Do đó, bà Phương cùng với các thành viên Tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, bà Phương đã cùng với Tổ hòa giải thôn Tân Trung tiếp nhận và hòa giải thành 25 vụ/28 vụ, chiếm tỉ lệ 89%. Hầu hết các vụ hòa giải liên quan mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai, xích mích giữa hàng xóm láng giềng,… Bên cạnh việc hòa giải từng vụ việc, thông qua các buổi họp thôn, xóm, hay tại các buổi tiếp xúc cử tri, lễ hội, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc... được tổ chức trên địa bàn, bà Phương cùng các thành viên Tổ hòa giải còn phối kết hợp tư vấn, tuyên truyền để người dân nắm vững và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; từ đó, góp phần hạn chế các mâu thuẫn, cùng nhau vun đắp, gìn giữ tình làng nghĩa xóm. “Bản thân tôi nghĩ, việc thường xuyên gần gũi, lắng nghe người dân, cũng như bám sát địa bàn, đó cũng là lợi thế của tôi nói riêng và của các thành viên trong Tổ hòa giải nói chung, vì được bà con lắng nghe, đồng thuận. Đây cũng là yếu tố tiên quyết giúp hòa giải thành công các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính... và hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Và trong suốt thời gian tham gia công tác hòa giải, tôi cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hay các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hòa giải để đánh giá những mặt đã làm được, từ đó tiếp tục phát huy và nhìn nhận những hạn chế để rút ra kinh nghiệm, tìm những cách làm hay, mới trong công tác hòa giải tại cơ sở...” - bà Phương chia sẻ.

Cũng theo bà Phương, bản thân bà và Tổ hòa giải phải luôn luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy chi bộ; các bộ phận chuyên môn của xã, vụ việc nào khó, nhận định tình hình không ổn, cần sớm đề nghị sự giúp đỡ cán bộ UBND xã tham dự hòa giải cùng. Tổ hòa giải cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, những thành viênTổ hòa giải phải là những người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

Không chỉ tích cực trong công tác hòa giải, từ lúc nghỉ hưu vào năm 2004 đến nay, bà Phương còn tham gia nhiều hoạt động trên địa bàn, như Chi hội phụ nữ thôn, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, Chữ thập đỏ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH... Và nay, bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn nhiệt tâm với từng công việc mà mình đang đảm nhiệm. “Những công việc như đi thu lãi ngân hàng, điều tra dân số trong thôn... phần lớn phải tranh thủ đi buổi tối vì lúc đó mọi người mới đi làm về, nhưng tôi chẳng thấy vất vả chút nào” - bà Phương cười bộc bạch.

Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trật thôn Tân Trung Huỳnh Kim Thanh, cho biết: “Với bất cứ nhiệm vụ nào, bà Phương cũng mang hết trách nhiệm và lòng nhiệt tình tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhân dân, cán bộ, đảng viên của tổ đã tín nhiệm giao. Những đóng góp của bà Phương nói riêng và các thành viên Tổ hòa giải nói chung đã góp phần ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự trị an tại địa thôn Tân Trung nói riêng và xã Tân Hội nói chung”.