Trong nhiều năm nay, chính quyền cùng các đoàn thể của Xuân Thọ - một xã vùng ven Đà Lạt, đã tích cực đồng hành với nông dân để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa thu nhập của người dân trên địa bàn ngày càng đi lên.
Một trang trại sản xuất hoa đạt chuẩn “An toàn - xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn xã Xuân Thọ |
• XÃ KHÔNG CÒN HỘ NGHÈO
Theo UBND xã Xuân Thọ, trong tổng diện tích 6.266 ha của xã hiện nay có khoảng 1.500 ha là đất canh tác nông nghiệp. Toàn xã hiện có trên 1.632 hộ dân với trên 7.600 nhân khẩu, sinh sống tại 6 thôn, gồm Xuân Thành, Lộc Quý, Đa Quý, Đa Lộc, Túy Sơn và Đa Thọ; trong đó chỉ có khoảng 360 hộ dân làm dịch vụ, còn toàn bộ còn lại trên 75% hộ dân làm nông nghiệp.
Xuân Thọ lâu nay là vùng canh tác cà rốt nổi tiếng của Đà Lạt. Nhờ đất tốt, đất có màu đỏ thẫm nên cà rốt trồng nơi đây cũng có màu đỏ rất đẹp, củ lớn; nhiều hộ gia đình nơi đây trong nhiều năm nay các thế hệ cùng trồng cà rốt. Nhưng nay, theo ông Lê Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, vùng trồng cà rốt đang thu hẹp dần vì người dân trong xã đang chuyển sang canh tác các loại cây trồng có giá trị cao hơn thông qua ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là rau, hoa canh tác trong nhà kính.
Hiện, trên địa bàn xã theo ông Dương, đã có 430 ha nhà lưới, nhà kính; trên 85% diện tích canh tác hiện nay đã được nông dân ứng dụng công nghệ cao trong đó có tưới phun tự động và tưới nhỏ giọt; có trên 20 cơ sở ươm cây giống rau, hoa các loại cung ứng cho nhu cầu sản xuất của dân.
Điểm nổi bật của Xuân Thọ trong nhiều năm nay chính là việc chính quyền cơ sở cùng các đoàn thể tại địa phương đã tích cực đồng hành với người dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Như trong năm 2021 và 2022, xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan, lồng ghép nguồn vốn từ nhiều nguồn như chương trình trợ giá giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao, chương trình nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ thực hiện hơn 340 mô hình chuyển đổi giống cây trồng cho người dân trên địa bàn, bao gồm canh tác hoa cát tường, hoa cúc Nhật, hoa hồng môn, hoa lily, ớt ngọt, xà lách Mỹ, khoai tây giống mới, dâu tây, cà phê.
Bên cạnh phối hợp với TP Đà Lạt xây dựng vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Lộc Quý trong nhiều năm nay với quy mô trên 63 ha, cả xã hiện nay đã có đến trên 700 ha trồng rau và 285 ha trồng hoa.
“Cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn xã đã có sự thay đổi rõ rệt. Những diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển sang trồng rau, hoa giống mới, diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém, bị sâu bệnh cũng được chuyển sang cây cà phê giống mới có chất lượng cao hơn” - ông Dương cho biết.
Với sự hỗ trợ giúp sức của các đơn vị chức năng thành phố, các mô hình nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, kho lạnh bảo quản nông sản được giới thiệu và chuyển giao cho người dân. Chỉ riêng diện tích tưới tự động, tưới nhỏ giọt cả xã đã có 902 ha, góp phần giảm từ 50-70% lượng nước tưới và nhiên liệu sử dụng so với trước đây.
Xã trong thời gian qua cũng phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn trên địa bàn; phối hợp với các công ty, đơn vị mở trên 20 lớp tập huấn về sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cho hằng nghìn lượt nông dân nơi đây tham dự. Hiện, tỷ lệ lao động của xã qua đào tạo đạt 33%.
Để tìm thêm đầu ra cho nông sản; xã phối hợp với TP Đà Lạt vận động thành lập thêm các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng thu mua rau với các nông hộ.
Cùng với 60 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại khu nông nghiệp công nghệ cao Lộc Quý, đến nay, trên địa bàn xã ước tính đã có trên 100 ha rau được cấp chứng nhận VietGAP. Thôn Xuân Thành của xã đã được công nhận là làng hoa từ năm 2015, hiện nay không chỉ là nơi sản xuất hoa mà là một trong những điểm du lịch canh nông thu hút đông khách đến tham quan của Đà Lạt.
Điều đáng nói nhất, cho đến nay, theo ông Lê Dương, xã đã không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo của xã giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đạt 85 triệu đồng/năm. Từ giá trị bình quân thu hoạch trên 1 đơn vị diện tích khoảng 220 triệu đồng/ha/năm trước đây, đến nay, con số này đã tăng lên cao tại đây. Đã có các nhà kính trồng rau cao cấp trên địa bàn đạt 450 triệu đồng/ha/năm; mỗi năm người dân nơi đây nhờ nhà kính đã quay vòng 3 vụ/năm; doanh thu bình quân 1 ha trồng hoa công nghệ cao đạt từ 750 đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, trong xã có không ít nông dân là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh.
• ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN
Vẫn có không ít khó khăn mà nông dân trên địa bàn Đà Lạt trong đó có nông dân Xuân Thọ đang đối mặt thời điểm này, chẳng hạn như giá cả hàng hóa nông sản còn bấp bênh, chi phí đầu tư cùng chi phí đầu vào có xu hướng tăng cao, giá nguyên liệu cũng tăng. Tuy nhiên, như ông Dương khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao vẫn là một hướng đi đúng và đang có tác động tích cực rất lớn trên địa bàn. “Địa phương đồng hành với người dân cùng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho dân” - ông Dương cho biết.
Trước mắt, chính quyền cùng các đoàn thể, địa phương tiếp tục vận động nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thông qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước nhằm phổ biến và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xã tiếp tục phối hợp với ngành chức năng thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề cho người dân trong địa bàn để nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất, năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hiện, xã đang vận động người dân trên địa bàn thực hiện đề án phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ để cung cấp nước tưới phục vụ cho nông nghiệp; vận động người dân đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông nội đồng; nâng cấp, kéo các đường điện vào khu vực sản xuất. Địa phương cũng hỗ trợ các hợp tác xã tại địa phương tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ máy móc, thiết bị, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông; hỗ trợ hợp tác xã tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu nông sản.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, xã cho biết cũng đang tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại rác thải nông nghiệp trên địa bàn; phối hợp với ngành chức năng thành phố trong thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp, bao bì hóa chất nguy hại sau sử dụng tại các khu sản xuất; xử lý phế phẩm nông nghiệp trong sản xuất cũng như trong chế biến nông sản trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin