Để mang lại lợi ích “kép” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nhằm sản xuất, kinh doanh, đồng thời, góp phần giúp ngân hàng quản lý tốt nguồn vốn, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lâm Hà đã triển khai Mô hình Điểm giao dịch xã kiểu mẫu.
Là một trong những hộ được vay vốn Ngân hàng CSXH thông qua tổ vay vốn, đến nay, gia đình bà Thái đã có thu nhập ổn định từ trồng dâu, nuôi tằm |
Tháng 8/2022, xã Hoài Đức được Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà bình xét đạt các tiêu chí là Điểm giao dịch kiểu mẫu. Ông Nguyễn Bách Tùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Điểm giao dịch tại xã thường được thực hiện vào ngày 10 hằng tháng. Để đảm bảo cho buổi giao dịch diễn ra hiệu quả, xã bố trí hội trường, bàn ghế và đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra mất an toàn cho ngân hàng và khách hàng.
“Việc giao dịch lưu động tại xã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ và thuận lợi hơn cho chính quyền cơ sở tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Để công tác nói trên được thực hiện tốt, địa phương đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền các hộ vay nộp tiền lãi cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trước ngày giao dịch. Nhờ thực hiện tốt công tác giao dịch xã nên trong thời gian qua, dư nợ cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn không ngừng tăng trưởng” - Chủ tịch UBND xã Hoài Đức cho hay.
Không chỉ xã Hoài Đức, thời gian qua, việc thực hiện Mô hình Điểm giao dịch xã kiểu mẫu được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà quan tâm thực hiện. Để triển khai mô hình, Phòng Giao dịch đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể; trong đó ngay từ đầu các năm, đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đến 100% xã, thị trấn cùng tham gia.
Ngoài ra, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn đối với cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách. Trong năm, Phòng Giao dịch đã nâng cao kỹ năng nghiệp vụ triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở cho 16 thành viên ban giảm nghèo cấp xã, 64 hội nhận ủy thác cấp xã, 177 trưởng thôn/tổ dân phố và 600 Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho các chi hội trưởng của Hội Phụ nữ trên toàn huyện.
Trong 9 tháng đầu năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện duy trì tổ chức 145 phiên giao dịch tại xã, thực hiện đầy đủ quy trình giao dịch theo quy định. Kết quả giao dịch tại xã, đạt tỷ lệ 97,07%, trong đó, tỷ lệ giải ngân tại xã đạt 98,7%; tỷ lệ thu nợ tại xã đạt 93,24%; tỷ lệ thu lãi tại xã đạt 99,26%.
Việc triển khai các Mô hình Điểm giao dịch xã kiểu mẫu đã góp phần tạo động lực thi đua, giúp các xã ngày càng nâng cao hơn chất lượng hoạt động, chất lượng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay. Tại 16 điểm giao dịch xã, thông tin các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, thủ tục giải quyết công việc được công khai đầy đủ, kịp thời đúng quy định.
Đến 30/9/2023, có 302 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 6 tổ so với đầu năm; bình quân 1 tổ có 38,6 hộ vay, với dư nợ 1.620 triệu đồng. Trong đó có 282 tổ xếp loại tốt, chiếm 93,37%, giảm 2 tổ so với đầu năm; 9 tổ xếp loại khá, chiếm 2,98% không tăng, giảm so với đầu năm; 11 tổ xếp loại trung bình, chiếm 3,64%, tăng 8 tổ so với đầu năm.
Thông qua tổ giao dịch xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Thái (thôn Đức Long) cho biết: “Gia đình tôi vay vốn để trồng dâu, nuôi tằm, hằng tháng, khi đến hạn nộp lãi được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhắc nhở nên tôi luôn nộp đúng hạn. Trong quá trình sử dụng vốn, nếu gặp khó khăn đều được cán bộ ngân hàng hướng dẫn xử lý kịp thời”.
Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới để đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, các Tổ trưởng thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới và phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng phải bám địa bàn, bám dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội, đoàn thể thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích.
Bà Chắng Khánh Quỳnh Lan - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Hà cho biết: Trong năm 2022, Phòng Giao dịch đăng ký Điểm giao dịch xã Hoài Đức, Đạ Đờn, Mê Linh để xây dựng Điểm giao dịch xã kiểu mẫu, tuy nhiên, chỉ có xã Hoài Đức thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí và đã được công nhận. Năm 2023, tiếp tục đăng ký xây dựng 5 điểm giao dịch kiểu mẫu là Phi Tô, Nam Hà, Gia Lâm, Mê Linh, Tân Hà, đến nay, Điểm giao dịch xã Tân Hà, Gia Lâm đã đạt chuẩn các tiêu chí và đang chờ kết quả thẩm định, công nhận. Để thực hiện công tác này trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch của các xã đã đạt kiểu mẫu và đang xây dựng kiểu mẫu. Đồng thời, thường xuyên chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch, giao ban hàng tháng tại điểm giao dịch xã nhằm phục vụ Nhân dân ngay tại cơ sở.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin