Người nối kết tình làng nghĩa xóm

VIẾT TRỌNG  04:55, 10/10/2023

Kiên trì, nhẫn nại, nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý… những người làm công tác ở cơ sở khi cần sẽ đến từng nhà trong các tổ dân phố để hòa giải, hàn gắn lại những mối tình thân, nối kết tình làng nghĩa xóm.

Bà Nguyễn Thị Chính
Bà Nguyễn Thị Chính

Một trong những người như thế là bà Nguyễn Thị Chính, sinh 1957, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, một xã vùng ven TP Đà Lạt. 

Xã Xuân Thọ hiện có trên 1.600 hộ dân, sinh sống tại 6 thôn, trong đó thôn Lộc Quý có khoảng 260 gia đình. “Hầu hết mọi người đều biết nhau, chủ yếu người miền Trung vào đây lập nghiệp, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đủ cả, phần lớn làm vườn. Gần đây kinh tế phát triển, trong thôn có người tạm trú đến từ nhiều nơi, có các nhà trọ, chủ yếu là làm vườn. “Gia đình tôi gốc Huế vào đây từ thời cha tôi, tôi sinh ở Đà Lạt nên cũng có thể coi là người Đà Lạt được rồi” - bà Chính cười nói.

Bà Chính bắt đầu tham gia công tác phụ nữ của thôn Lộc Quý từ năm 1997, khi 40 tuổi. Thời điểm đó, Hội Phụ nữ xã cần người tham gia các hoạt động tại thôn nên đến vận động bà. Là Chi hội trưởng Phụ nữ của thôn, bà bắt đầu đi vận động phụ nữ trong thôn mình tham gia công tác Hội, tham gia các phong trào như nuôi con khỏe, dạy con ngoan; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; bình đẳng giới; vận động các gia đình đưa trẻ đến trường, hạn chế bỏ học. 

Bà cũng đã từng tham gia rất nhiều cuộc hòa giải gia đình tại thôn trong hơn 10 năm làm công tác Hội. Có những trường hợp chồng động tay động chân với vợ, vợ lên báo Hội thế là bà đến nhà khuyên giải. Có những trường hợp chồng bạo hành bằng lời nói, nhiều chị em phải nhờ đến bà. “Phải nói ngày trước nhiều trường hợp lắm nhưng xã hội nay tiến bộ rất nhiều, kinh tế gia đình, đời sống cũng đi lên nhiều nên những chuyện như vậy cũng giảm dần, phụ nữ nay không chỉ là lao động chính trong nhà, là người vun vén gia đình mà còn có thể tham gia các hoạt động xã hội” - bà Chính nói.

Đến năm 2010, bà Chính chuyển sang làm công tác Mặt trận, hiện bà là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn và là thành viên trong Tổ hòa giải thôn. Tổ hòa giải này có 5 thành viên gồm trưởng thôn, đại diện Chi hội Phụ nữ thôn, Chi hội Nông dân, Công an khu vực và Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. “Năm vừa rồi, dân số thôn tăng lên nên Tổ hòa giải thôn tăng thêm 2 thành viên” - bà cho biết. Tuy nhiên, theo bà Chính, đi hòa giải ở cơ sở thật ra không cần đến tất cả 7 người 1 lúc, tùy theo trường hợp, có lúc chỉ cần Trưởng thôn và bà là đủ. 

Bà kể, có trường hợp một gia đình 2 thế hệ cùng chung sống với nhau trong thôn, nhà có duy nhất một con trai, gia đình cưới vợ cho con trai nhưng không bao lâu sau đó cô con dâu phải bỏ nhà chồng về nhà mình vì sự khó chịu rất không đáng có của bà mẹ chồng. Cậu con trai thương vợ đến nhờ bà hòa giải, bà đến tận nhà tìm hiểu. Sau nhiều lần nói chuyện khuyên giải với bà mẹ chồng, rồi đến nói chuyện với gia đình cô gái. Sau đó cô gái đã về lại nhà chồng, bà mẹ chồng khi nghe chuyện đã thay đổi rất nhiều. Đến nay, 2 vợ chồng này đang làm ăn tốt, con cái đã lớn, ngoan, học hành rất tốt, bà mẹ chồng cũng vui vẻ. Gia đình này từ đó đến nay coi bà Chính như người thân trong gia đình, có việc quan trọng trong nhà thường mời bà đến dự. 

Một trường hợp hòa giải thành công khác mà bà Chính kể tôi nghe đó là việc mâu thuẫn giữa 2 gia đình. Hai nhà này có 2 khu vườn sản xuất liền kề nhau, một vườn nằm trên cao, một vườn nằm dưới thấp, cả hai tranh chấp một đường mương thoát nước vì nước mưa, nước thoát của khu vườn phía trên chảy xuống khu vườn phía dưới. Việc tranh chấp này đã lâu, được 2 gia đình gửi khiếu nại lên xã. Tổ hòa giải thôn trong đó có bà Chính đã phải đến 2 khu vườn này nhiều lần, thống nhất ranh giới để làm đường thoát nước cho khu vườn ở trên để không ảnh hưởng đến sản xuất của vườn phía dưới. Bà cùng các thành viên trong Tổ hòa giải thôn đã đến từng nhà khuyên giải để mỗi nhà nhượng bộ 1 chút. Sau đó mọi việc đều ổn thỏa, 2 gia đình bỏ qua mọi mâu thuẫn để làm ta tuy và đường thoát nước cho đôi bên. 

Cũng có những việc mà Tổ hòa giải thôn có cố gắng đi nữa cũng khó hòa giải thành công được. Đó là câu chuyện của một gia đình có 2 con, một trai, một gái. Lúc đầu bà mẹ có hứa cho cô gái đất làm nhà để ở khi cô có gia đình, có hoàn cảnh khó khăn. Cô con gái này đã cho xây nhà bên cạnh nhà mẹ, nhưng nay bà mẹ đổi ý, chỉ cho đất con trai mà không cho đất cho con gái dù nhà của cô con gái đã xây trên đất. Tổ hòa giải của thôn trong đó có bà Chính đã đến nhiều lần để khuyên giải nhưng bà mẹ vẫn khăng khăng. Việc tranh chấp này theo bà Chính hiện đã đưa lên trên và có lẽ phải gửi đến Tòa án để phân xử. 

Nhưng câu chuyện hòa giải bất thành ở trên cũng chỉ là một trường hợp đặc biệt vì hầu hết theo bà Chính, trung bình mỗi năm ở thôn chừng 7-8 vụ, hầu hết đều được hòa giải thành công. “Đó là những mâu thuẫn trong gia đình, khác biệt về suy nghĩ và lối sống, con cái không nghe lời cha mẹ, tranh chấp tài sản, thừa kế. Mâu thuẫn bên ngoài là tranh chấp lối đi, hàng rào, đất đai. Cần đến nơi tìm hiểu ngọn ngành, quan trọng nhất là lời mở, phải mở lời sao nghe được để họ mở lòng với mình sau đó mình mới khuyên giải được ” - bà Chính nói.

Quan trọng nhất với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, theo bà Chính, là phải có uy tín. “Uy tín đặt lên hàng đầu, vì mọi người ở đây đều biết nhau. Mình phải gương mẫu, có trách nhiệm với công việc. Gia đình mình có ổn thì nói với người khác mới nghe” - bà nói.

Trong tháng 8/2023, bà Chính là 1 trong 29 cá nhân trong tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nhưng với bà, niềm vui chính là sự yêu mến của mọi người, đã góp phần hàn gắn lại mâu thuẫn của những gia đình trong thôn nơi mình sinh sống, qua đó gắn kết lại tình nghĩa xóm làng. “Chỉ được vậy là vui rồi” - bà tươi cười cho hay.