Người phụ nữ giữ hồn trà mộc

KHÁNH PHÚC 06:15, 20/10/2023

Ở xứ B’Lao - Bảo Lộc, khi nhắc đến trà, người ta nhớ ngay đến các danh trà nổi tiếng như Quốc Thái, Đỗ Hữu, Văn Hương (Làn Hương). Trải qua hơn 60 năm gắn bó với nghề, tuy thị phần trong ngành trà không được như trước, nhưng bà Nguyễn Thị Huệ (64 tuổi), chủ danh trà Làn Hương vẫn giữ được những giá trị truyền thống nguyên sơ trong các sản phẩm trà mộc.

Bà Huệ đang tiếp nối nghề làm trà hương của gia đình
Bà Huệ đang tiếp nối nghề làm trà hương của gia đình

NHIỀU BIẾN CỐ, THĂNG TRẦM

Cũng như bao danh trà nổi tiếng tại Bảo Lộc, danh trà Văn Hương (nay đổi tên thành Làn Hương) hình thành từ những năm 1960 của thế kỷ trước do ông Nguyễn Văn Đạo sáng lập. Hiện tại, bà Nguyễn Thị Huệ là đời thứ 2 đang kế nhiệm, gìn giữ và phát triển danh trà. Bà Huệ kể: “Trước đây, cha mẹ tôi làm trà công phu lắm. Gia đình tôi thường chọn giống trà bạch mao để trồng và tự chăm sóc, hái trà theo kỹ thuật riêng. Ngày ấy, sản phẩm trà Văn Hương của cha tôi được người tiêu dùng biết đến là một loại thức uống thanh tao, nhẹ nhàng và quyến rũ. Cùng cha mẹ làm trà từ bé, nên tôi đã sớm học hỏi và thừa hưởng được những giá trị sản xuất trà hương quý giá”.

Trong khoảng thời gian hơn 60 năm hình thành và phát triển, trà Văn Hương đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Có một thời, ở vùng đất B’Lao lưu truyền câu thơ khẳng định những giá trị chất lượng của sản phẩm trà Văn Hương: “Anh về thưa với mẹ cha/cưới em xin dẫn bánh trà Văn Hương”.

Điều đáng tiếc là, được một thời gian không lâu, ông Nguyễn Văn Đạo, người sáng lập và xây dựng nên thương hiệu trà Văn Hương nổi tiếng đã qua đời. Sau khi ông Đạo mất, trà Văn Hương phải tạm dừng sản xuất trong khoảng thời gian hơn 2 năm khiến những giá trị của một danh trà bị ảnh hưởng và dần mất thị phần tiêu thụ.

Thấu hiểu được tâm huyết, nỗi lòng của cha mẹ dày công xây dựng thương hiệu một danh trà, đến năm 2005, bà Huệ chính thức kế nghiệp và quyết định tạo thêm điểm nhấn cho doanh nghiệp trà của gia đình. Cũng từ đây, danh trà Văn Hương được bà Huệ đổi tên thành trà Làn Hương để tiếp tục bảo tồn và phát triển những giá trị của các sản phẩm trà hương mộc (trà ướp hương từ các loài hoa tự nhiên).

• QUYẾT GIỮ HỒN TRÀ MỘC

Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên nhỏ tại xưởng sản xuất trà với nhiều loài hoa tự nhiên dùng để ướp trà đang khoe sắc như hoa sói, hoa lài, hoa ngâu, hồng trà... bà Huệ nói mỗi loại hoa phải được hái đúng thời điểm. Chẳng hạn hoa sói phải hái ban sớm, hoa lài thì phải hái buổi chiều..., đúng độ chín, độ rộ để có được hàm lượng hương thơm cao nhất. Hoa sau khi hái phải được ủ trong một khoảng thời gian thích hợp rồi mới được ướp vào trà. Ngoài hoa, mỗi loại trà hương được bà Huệ ướp thêm một loại thảo dược, như: Quế, cam thảo, hồi, kỷ tử... với liều lượng nhất định. Thảo dược không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp mùi hương thêm đậm đà và vị trà thêm ngon, nồng đượm. Qua 3 lần ủ, ướp và sấy như thế thì trà và hoa mới quyện với nhau, tạo nên từng hương vị trà lài, ngâu, sen, sói đặc trưng.

Đặc biệt, đến nay, bà Huệ vẫn còn “trung thành” với phương pháp sấy trà bằng bồ truyền thống. Đây là cách sấy được những người làm trà xưa của vùng đất B’Lao áp dụng sấy trà dưới ngọn lửa liu riu của than hồng. Chính nhờ vào phương pháp chế biến thủ công truyền thống, kết hợp với đội ngũ kỹ thuật nhiều tâm huyết và liên kết chặt chẽ với người nông dân trồng trà, danh trà Làn Hương đã tạo nên một chuỗi cung ứng hoàn thiện, cam kết luôn mang đến những sản phẩm trà truyền thống độc đáo nhất, chất lượng nhất đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng người tiêu dùng.

Những năm gần đây, danh trà Làn Hương liên tục gặt hái nhiều giải thưởng về chất lượng, như: Giải Nhất “Sản phẩm Trà ướp hương”, tại Lễ hội Văn hoá Trà Lâm Đồng - lần 2, năm 2008, do Hiệp hội Chè Việt Nam bình chọn; giải Nhất tại Cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt với đề tài “Giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng trà Bảo Lộc”, tác giả Nguyễn Khoa Khôi (con trai bà Huệ), đời thứ 3 của danh trà Làn Hương... Đó là sự ghi nhận và đánh giá khách quan dành cho một thương hiệu đã có bề dày truyền thống và không ngừng nỗ lực để đổi mới, hoàn thiện.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Trải qua suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển, giờ đây, ngành sản xuất, chế biến trà ở Lâm Đồng nói chung và TP Bảo Lộc nói riêng đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Trong đó, những sản phẩm trà mộc đậm chất truyền thống của danh trà Làn Hương cùng nhiều danh trà ở Bảo Lộc đã và đang góp phần để trà Lâm Đồng ngày càng bay cao, vươn xa chinh phục thị trường trong nước và quốc tế”.