Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 3.170 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn toàn tỉnh, tăng 320 ca so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo tình hình bệnh SXH trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp hơn cùng kỳ năm trước.
Vệ sinh môi trường, lật úp các thùng chứa nước để diệt lăng quăng, muỗi phòng bệnh SXH |
• CÁC BIỂU HIỆN CỦA BỆNH SXH
Theo tài liệu cập nhật của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một người có thể bị 4 lần SXH Dengue trong cuộc đời. Nhiễm Dengue thứ phát ở các lần sau sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển thành SXH Dengue nặng. Nhiễm vi rút Dengue ở người qua vết muỗi đốt, giai đoạn ủ bệnh ở người 3 -14 ngày (trung bình 7 ngày).
Phân độ lâm sàng của SXH Dengue theo Tổ chức Y tế Thế giới chia làm 3 mức độ: SXH Dengue; SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo; SXH Dengue nặng. Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy, khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Được gọi SXH Dengue nặng khi bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều, xuất huyết nặng, suy tạng.
Có 3 giai đoạn của bệnh: sốt, nguy hiểm, hồi phục. Trong giai đoạn sốt trên lâm sàng có các biểu hiện: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Giai đoạn nguy hiểm thường diễn biến từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện sau: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; vật vã, lừ đừ, li bì; gan to > 2 cm dưới bờ sườn, có thể đau, nôn ói; biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ): tràn dịch màng phổi, mô kẽ, nặng có thể dẫn đến sốc; xuất huyết: dưới da, niêm mạc, xuất huyết nặng (xuất huyết cơ, phần mềm, nội tạng…). Trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng, suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
Biểu hiện xuất huyết: Xuất huyết dưới da (nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím); xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu); xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Phần lớn các trường hợp bệnh SXH đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau: bệnh nhân sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
• DIỆT LĂNG QUĂNG ĐỂ PHÒNG BỆNH
Ngành Y tế đang tiếp tục triển khai và duy trì các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh SXH. Giám sát phát hiện ca bệnh, điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để đúng quy định (diệt muỗi, diệt lăng quăng). Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch SXH. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng, chống SXH. Vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống SXH, thực hiện diệt lăng quăng tại nhà. Mỗi người, mỗi nhà hãy dành ra 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh với phương châm: “Không có lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh SXH”.
Để phòng ngừa SXH, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết lăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước, dọn dẹp và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt như dùng kem chống muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày, tránh xa nơi có muỗi để không bị nhiễm bệnh. Việc phun hóa chất diệt muỗi phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun ở các khu vực đã phát sinh ổ dịch chứ không phun hóa chất để phòng ngừa vì nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ kháng hóa chất. Người dân khi mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, hướng dẫn và theo dõi tình trạng sức khỏe để điều trị kịp thời nhằm hạn chế bệnh tiến triển nặng, dẫn đến tử vong.
• KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN, LƠ LÀ
SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi rút Dengue gây ra và vector truyền bệnh là muỗi Aedes agypti. Bệnh trở thành đại dịch trên 100 quốc gia, đặc biệt khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. SXH Dengue là vấn đề y tế toàn cầu, việc tăng cường phòng, chống là một trong các chương trình ưu tiên hàng đầu tại các quốc gia có dịch lưu hành.
Hiện nay, bệnh SXH càng lan rộng khắp các vùng nhiệt đới do sự thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm tương đối và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. SXH đã lưu hành ở 128 quốc gia với 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ, 390 triệu trường hợp mắc mỗi năm, trong đó 96 triệu trường hợp có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt. Số người mắc SXH hàng năm đã tăng hơn 30 lần sau 50 năm qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố hiện nay chưa có biện pháp và mô hình phòng, chống SXH nào đem lại hiệu quả mong muốn và chưa có quốc gia nào thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh SXH. Ước tính 20.000 người tử vong hàng năm do bệnh SXH. Gánh nặng lớn về mặt sức khỏe và kinh tế - xã hội, theo tính toán chi phí tổng thể của một trường hợp SXH Dengue là 828 USD. Đó là chưa tính đến số ca chưa được báo cáo và chi phí đáng kể liên quan đến các chương trình giám sát ca bệnh và phòng, chống vector truyền bệnh.
Một số yếu tố thuận lợi cho sự tăng nhanh ca bệnh SXH trên toàn thế giới: Biến đổi khí hậu, tăng dân số nhanh, di cư nông thôn – thành thị, đô thị hóa nhanh và tăng khối lượng chất thải rắn là môi trường thuận lợi cho loăng quăng phát triển.
Tại Việt Nam, vụ dịch sốt Dengue mô tả đầu tiên năm 1958, được thông báo năm 1959. Bệnh lưu hành quanh năm ở miền Nam, hay gặp ở trẻ em nhiều hơn. SXH tại khu vực miền Nam, miền Trung xảy ra quanh năm, đỉnh dịch vào tháng 9 -12. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên thường gia tăng từ tháng 5 - 6, đỉnh dịch vào tháng 10 -11 và giảm mạnh từ tháng 12. Miền Bắc thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 12, nhiều nhất vào các tháng 8, 9, 10 và bệnh còn hay gặp ở người lớn.
Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có xu hướng gia tăng SXH với cả 4 týp vi rút Dengue. Trong 5 năm gần đây, tình hình SXH diễn biến phức tạp, số ca mắc ghi nhận chủ yếu ở khu vực miền Nam, sau đó là miền Trung, Tây Nguyên. Giai đoạn từ 2000 - 2017, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc SXH. Tỷ lệ chết/mắc đã giảm rõ rệt, từ 1,2% năm 1984 xuống còn 0,5% năm 1992, sau đó liên tục giảm xuống còn 0,03% năm 2016 - 2017.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin