Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ đặt ra cho các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung. Và Đam Rông cũng không là ngoại lệ. Đây là nhiệm vụ khó, cần được tiến hành thực hiện thường xuyên, liên tục. Những năm qua, cả hệ thống chính trị huyện Đam Rông đã vào cuộc và đạt những kết quả tích cực.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông còn cao do ảnh hưởng từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống |
Huyện Đam Rông là địa bàn có trên 65% dân số là đồng bào DTTS. Ngoài lượng lớn đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, ở đây còn có đồng bào DTTS từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Thái, Dao, H’ Mông… di cư tự do vào, tạo nên cộng đồng với 22 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện Đam Rông là 19,3% tương đương 2.845 hộ. Trong đó, số hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm đến 2.634 hộ. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn cao được địa phương xác định, do ảnh hưởng từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đồng chí Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết: Trong những năm qua, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS đã được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai. Trong đó, tuyên truyền được xem là giải pháp đầu tiên và đóng vai trò nòng cốt. Việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, các hội nghị, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, cấp phát tờ rơi… Các tài liệu, sản phẩm truyền thông đã được cung cấp, phát hành sử dụng hiệu quả, có 9.850 lượt người tham gia. Hoạt động tuyên truyền góp phần tích cực trong nâng cao nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng và người dân trên địa bàn huyện nói chung về những hệ luỵ của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhận thức của người dân về vấn đề này dần được nâng lên.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở triển khai các nội dung của Đề án, UBND huyện Đam Rông đã lồng ghép nội dung này vào các hoạt động khác của các đoàn thể của địa phương.
Đồng chí Liêng Hót Ha Hai thông tin thêm, UBND huyện cũng đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh lập danh sách và cử cán bộ, công chức các đơn vị, địa phương liên quan tham gia tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, các mô hình điểm, mô hình chuyên đề về “can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” hiện cũng đã được thành lập tại xã Liêng S’rônh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Đam Rông; 2 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập tại: Trường THCS Phi Liêng và THCS&THPT Võ Nguyên Giáp. Các mô hình đã cụ thể hoá việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại từng đơn vị, địa bàn bằng các hình thức phù hợp và hiệu quả.
Đồng chí Liêng Hót Ha Hai phấn khởi thông tin, số vụ tảo hôn trên địa bàn huyện từ năm 2021 đến nay là 37 trường hợp (người), giảm 108 trường hợp so với giai đoạn 2015-2020. Trong đó, vợ hoặc chồng tảo hôn là 33 trường hợp, cả vợ và chồng tảo hôn là 4 trường hợp. Các trường hợp tảo hôn này phần lớn xảy ra trong cộng đồng bà con đồng bào DTTS. Và từ năm 2021- 2023, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống, giảm 6 vụ so với giai đoạn 2015-2020.
Thời gian tới, huyện Đam Rông tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để từng bước tiến tới xoá bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong hôn nhân nói chung và ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ tuyên truyền cấp xã, thôn, buôn, nhất là đội ngũ già làng, người có uy tín trong cộng đồng để làm công tác tuyên truyền, vận động. Nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động được yêu cầu có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng ở các địa bàn. Việc tuyên truyền được tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhất là ở các tiểu khu cách xa trung tâm các xã, huyện; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ, thanh, thiếu niên.
Bên cạnh đó, huyện Đam Rông cũng ưu tiên thực hiện đầy đủ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình, chú trọng việc thực thi pháp luật của các cấp chính quyền và cơ quan pháp luật, đặc biệt là cấp xã; tiếp tục xây dựng các mô hình thôn về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin