Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, bắt đầu bước vào mùa khô, huyện Di Linh đã sớm triển khai các phương án để đảm bảo các mục tiêu chiến lược về nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.
Huyện Di Linh chủ động các phương án để đảm bảo nước tưới cho cây trồng mùa khô |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 bắt đầu bước vào mùa khô, dự báo hiện tượng El Nino xảy ra với xác suất khoảng 85-95%, tổng lượng mưa đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 15%, dòng chảy sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 8 - 40,5%. Tháng 2/2024 đến tháng 4/2024 sẽ vào cao điểm mùa khô, trạng thái El Nino tiếp tục duy trì, thời gian không mưa có khả năng kéo dài trên diện rộng, dòng chảy sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm.
Là địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, diện tích canh tác cây công nghiệp cao, nên trước dự báo đó, huyện Di Linh đã tiến hành đánh giá kỹ về khu vực, diện tích, số hộ có khả năng xảy ra thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Cũng theo dự báo của địa phương, nếu tình hình nắng hạn kéo dài và không có mưa, dự kiến trên địa bàn huyện sẽ xảy ra hạn hán. Khoảng 2.500 ha cây trồng có thể thiếu nước tưới và khoảng 1,5% số hộ dân có thể thiếu nước sinh hoạt.
Đồng chí Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, hiện nay, nước sinh hoạt cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài, mực nước ngầm và nước mặt tại các sông, suối xuống thấp, không có mưa thì nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy) không đáp ứng đủ nhu cầu nên sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương (Sơn Điền, Bảo Thuận, Tân Nghĩa, Tam Bố, Hòa Trung, Tân Thượng và Đinh Trang Thượng).
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh, vụ Đông Xuân năm 2023, địa phương có 1.131 ha lúa. Toàn huyện hiện có 44.802 ha cà phê, bà con Nhân dân đang chuẩn bị cho công tác thu hoạch cà phê niên vụ 2023-2024, sau khi thu hoạch sẽ tiến hành tỉa cành, tạo tán, ủ gốc và tưới nước chống hạn cho cây cà phê. Ngoài ra, có 4.571 ha sầu riêng (trồng xen trong vườn cà phê), 3.154 ha bơ và 1.890 ha mắc ca, 690 ha hồ tiêu, 509 ha chè và 710 ha dâu tằm.
Bởi vậy, để đảm bảo nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn, huyện Di Linh đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống do hạn hán, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024 và cả năm 2024;ổn định đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, huyện Di Linh đã kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng hồ, đập (dung tích, cống xả đáy, thân đập...); qua đó, có các giải pháp, đảm bảo dung tích nước dự trữ các hồ, đập chứa nước đạt công suất tối ưu. Thực hiện vận hành điều tiết nước một cách chủ động, khoa học, hợp lý. Huyện Di Linh cũng đã xây dựng phương án cụ thể trong việc điều tiết, cung cấp nước của công trình thuỷ lợi hồ Ka La, đồng thời có phương án nạo vét các hồ: Long Kuh (xã Gung Ré), hồ Đạ Trê (xã Tân Lâm), hồ Thanh Bạch (xã Đinh Lạc) và hồ La Òn (xã Hòa Bắc).
Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng chỉ đạo 19 xã, thị trấn đẩy mạnh việc rà soát những khu vực, vị trí (sình trũng, khu vực tụ thủy...) để chủ động phát triển loại hình thủy lợi vừa và nhỏ (đào ao, hồ nhỏ) để dự trữ nước, rà soát nạo vét ao, hồ, nhỏ; tăng cường các nguồn nước tưới từ giếng khoan, giếng đào...
Ngành Nông nghiệp huyện Di Linh cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền trong Nhân dân về việc phát triển hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; chuyển đổi giống cây trồng sử dụng nhiều nước sang sử dụng ít nước, chuyển cơ cấu cây lúa sang mô hình: lúa + ngô, lúa + rau màu, lúa + cây ngắn ngày khác... để tăng hệ số sử dụng đất, giảm nước tưới. Trước mắt, đối với việc sản xuất lúa vụ Đông Xuân, ngành Nông nghiệp huyện Di Linh đã hướng dẫn bà con chuyển giao kỹ thuật, sử dụng 100% bộ giống lúa mới có sức kháng bệnh và sức chống chịu cao với thời tiết khô hạn; hướng dẫn bà con gieo sạ lúa vụ Đông Xuân trong khung thời vụ tốt nhất... khuyến cáo bà con không nên gieo sạ tại những khu vực không chủ động nguồn nước.
Còn đối với cây cà phê, sau khi thu hoạch, người dân cần rà soát lại toàn bộ diện tích hiện hữu, xác định diện tích khu vực chủ động nguồn nước, diện tích khu vực xa nguồn nước, không có hồ, đập thủy lợi, diện tích khu vực trên đồi cao... qua đó xác định phương án phù hợp như sử dụng tổng hợp các biện pháp: tưới tiết kiệm, thực hiện mô hình tưới theo chuỗi bậc thang bắc cầu (từ hồ nước đến các điểm phân phối nước và từ điểm phân phối nước chính đến vườn cà phê). Bên cạnh đó, phát triển các loại cây che bóng, cây trồng xen (bơ, mít) có sức chống chịu với môi trường nắng hạn, giảm sự bốc hơi nước và giữ độ ẩm cho vườn cà phê. Đối với khu vực diện tích không có công trình thủy lợi, rà soát những vùng sình trũng, những điểm tụ thủy để phát triển đào ao, hồ nhỏ, khoan giếng.
Đối với cây sầu riêng - là cây khó tính, nhạy cảm với thời tiết, địa phương cũng khuyến cáo bà con tập trung chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đối với từng độ tuổi để tăng sức chống chịu của cây trong mùa khô hạn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng huyện Di Linh cũng khuyến cáo, hướng dẫn người dân kết hợp cân đối giữa tưới nước và bón phân mùa khô cho cây trồng để tạo sinh trưởng và phát triển tốt; khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin