Ngày một nhiều các hộ dân áp dụng phương pháp nuôi thiên địch để ngăn chặn côn trùng, sâu gây hại, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe.
Gia đình ông Lê Công Thôn, huyện Đức Trọng thả nuôi thiên địch trên diện tích 3.500 m2 vườn ớt chuông |
Với 1,5 ha nhà kính trồng ớt chuông, cà chua các loại (tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), gia đình ông Lê Công Thôn cho biết, nhiều tháng nay, gia đình đã áp dụng biện pháp thả một số thiên địch như nhện, bọ xít bắt mồi lên cây trồng để chống lại các loài côn trùng gây hại là bọ trĩ, rầy, rệp,… Việc thả các loài thiên địch đã mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Thôn phân tích, loài côn trùng gây hại, đặc biệt là bọ trĩ, nhện đỏ sau khi xuống giống ớt khoảng 1 tháng sẽ xuất hiện nhiều nhất. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phun phòng ngừa vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sản xuất tại trang trại. Tuy nhiên, khi thả nhện lên lá ớt chuông, loài thiên địch này sẽ tự động tỏa ra khắp cây để sinh sống, đồng thời, chúng sẽ ăn con non và trứng của bọ trĩ. Còn đối với bọ trĩ đã lớn và ấu trùng bọ trĩ trong giá thể nằm trong xơ dừa trồng ớt thì ông Thôn thả bọ xít bắt mồi và nhện để chúng tiêu diệt.
Tương tự cách làm của ông Thôn, gia đình ông Phạm Xuân Lộc (ngụ xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng) cũng tiến hành thả các loài thiên địch trên diện tích 0,8 ha vườn ớt chuông, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất. Theo ông Lộc, từ năm 2022, nhận thấy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khoẻ người lao động nên ông triển khai quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh học. Ban đầu, ông Lộc áp dụng trên diện tích khoảng 3.500 m2, sau đó áp dụng cho toàn khu mảnh vườn rộng 0,8 ha. Hiện nay, các loài thiên địch ông Lộc đang áp dụng bao gồm: bọ xít bắt mồi (Orius), nhện bắt mồi (Ambly - Hypo), nhện Phyto, bọ xít hoa gai nhọn (Ecobug) dùng để chống lại các loại sâu gây hại, ong mắt đỏ dùng diệt trừ sâu tơ, sâu xanh, sâu ăn tạp.
Theo các hộ dân áp dụng thả thiên địch bảo vệ cây trồng trên địa bàn huyện Đức Trọng, để tổ chức phòng ngừa các tác nhân gây hại bằng thiên địch, người làm vườn phải tuân thủ nhiều quy định. Do thiên địch là côn trùng nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng làm thiên địch bị chết. Chính vì vậy, người dân đã dùng thiên địch gần như không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, môi trường kém sẽ làm thiên địch bị chết, việc phòng trừ tác nhân gây hại vì thế sẽ kém hiệu quả, tốn chi phí thả lứa thiên địch mới. Cùng với việc phát triển thiên địch, các hộ dân lắp đặt hệ thống bẫy bằng keo dính để bắt các loài côn trùng gây hại khác. Hệ thống bẫy này được thiết lập dọc theo các luống ớt và cũng mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, chủ trang trại ớt chuông tại địa bàn xã Hiệp Thạnh cho biết, việc áp dụng thiên địch vào sản xuất không những bảo vệ tốt cho cây trồng mà còn góp phần tăng chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Ông Nguyên chia sẻ, ông áp dụng dùng nhện Ambly và nhện Phyto để tiêu diệt bọ trĩ, nhện đỏ gây hại cây ớt chuông.
“Với chu kỳ sinh trưởng của ớt chuông khoảng 9 tháng, tôi thả thiên địch 4 lần với chi phí 8 triệu đồng mỗi lần trên diện tích 1.000 m2. So với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giải pháp này tiết kiệm được 50% chi phí trong khi hiệu quả cao hơn nhiều lần” - ông Nguyên cho hay.
Hiện nay, Công ty TNHH Dalat Hasfarm là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân phát triển mô hình ứng dụng thiên địch để quản lý dịch hại và đạt hiệu quả rất tốt. Được biết, hiện nay Công ty đang phát triển 10 loại thiên địch để người dân áp dụng vào sản xuất. Các loại thiên địch của đơn vị hiện nay chủ yếu áp dụng trong mô hình sản xuất ớt chuông công nghệ cao. Đối với mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý tác nhân gây hại này, nhà vườn làm tốt có thể tiết kiệm chi phí sản xuất. Đặc biệt, mô hình ứng dụng thiên địch sẽ góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và giúp chủ vườn gia tăng chất lượng, giá trị cho sản phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin