Ở thời bình, câu chuyện về cựu chiến binh (CCB) không chỉ là những hồi ức về một thời bom lửa mà còn là những câu chuyện về những người lính bộ đội Cụ Hồ đang tỏa sáng, đi đầu trên mặt trận kinh tế. CCB Lê Trọng Đoàn (sinh năm 1948), xã Gia Hiệp (huyện Di Linh) là một tấm gương như thế.
Ông Lê Trọng Đoàn được huyện Di Linh tôn vinh gương sáng đời thường |
Tuổi 75, CCB Lê Trọng Đoàn vẫn đang điều hành, quản lý một Hợp tác xã (HTX) có quy mô và hoạt động hiệu quả giúp tiêu thụ nông sản và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân và những người CCB. Ở địa phương, ông không chỉ là người CCB gương mẫu, có nhiều đóng góp cho địa phương mà còn được nhiều người quý trọng vì là tấm gương sáng cho tinh thần nỗ lực, không ngừng vươn lên.
CCB Lê Trọng Đoàn là người gốc Hà Nam và từng công tác tại Tỉnh đội Quảng Ninh. Sau này, qua lời giới thiệu của bạn về vùng đất Di Linh màu mỡ; năm 1991, ông quyết định đưa vợ và 4 con nhỏ vào xã Gia Hiệp, huyện Di Linh để phát triển kinh tế. Nhớ lại những ngày “chân ướt, chân ráo” nơi vùng đất mới, ông Đoàn kể, với số vốn dành dụm được, ông quyết định vay mượn thêm vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 4 ha đất vườn để trồng cà phê và trồng dâu, nuôi tằm. Song, không gì là dễ dàng, do chưa quen với kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thời gian đầu, cà phê và dâu tằm của gia đình chưa đạt năng suất và chất lượng như mong muốn.
Khó ở đâu, gỡ ở đó, ông Đoàn dành nhiều thời gian để đi tham quan, học hỏi những mô hình làm kinh tế hiệu quả và tham gia các buổi tập huấn, hội thảo do Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông tổ chức. Từ đó, ông mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thâm canh, tái canh, lai ghép cây cà phê, cây ăn trái. Không phụ công nỗ lực, chỉ sau 7 năm, vườn cà phê, dâu tằm của gia đình ông đã cho năng suất và nguồn thu nhập ổn định. Trên đà phát triển, thời gian sau đó, ông Đoàn tập trung phát triển, mở rộng sản xuất và đầu tư cho con cái học hành.
Không những phát triển kinh tế gia đình, ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt và kinh doanh hiệu quả cho nhiều hộ nông dân và đồng đội CCB. Nhận thấy bà con nông dân thường chịu cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và thường bị thương lái ép giá, năm 2018, ông quyết định thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Thịnh nhằm tạo đầu ra cho nông sản của bà con nông dân.
Đảm nhận vị trí Giám đốc HTX, ông Đoàn chèo lái hoạt động HTX đi vào quỹ đạo. Với 27 thành viên, chủ yếu là CCB, hiện, HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Thịnh có tổng diện tích đất nông nghiệp là 50 ha, chủ yếu trồng cây cà phê, xen canh sầu riêng, bơ, hồ tiêu. Để tạo đầu ra cho nông sản của HTX, ông chủ động tìm kiếm, hợp tác kinh doanh với các công ty, siêu thị, doanh nghiệp và cung cấp nguồn hàng nông sản, cây ăn trái đảm bảo chất lượng cho thị trường. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng với các công ty cây giống, công ty phân bón hữu cơ và vô cơ, làm đại lý cung cấp cho các hộ thành viên HTX và người dân địa phương với giá thành ưu đãi, chất lượng đảm bảo. “Để HTX phát triển, hoạt động hiệu quả, hằng năm, tôi đều xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể và có định hướng sản xuất rõ ràng. Mọi hoạt động đều dựa trên nguyên tắc, đảm bảo chất lượng, uy tín”, ông Đoàn nói.
Từ những nỗ lực tạo nên thương hiệu, HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Thịnh đến nay đã và đang trên đà phát triển ổn định. Trong 5 năm, tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 43 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 15 tỷ đồng. Các thành viên của HTX đều có thu nhập ổn định, trung bình hàng năm khoảng từ 500 đến 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, HTX cũng tạo việc làm cho hơn 100 hội viên CCB và người dân có việc làm ổn định với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện, môi trường giúp nông dân, hội viên CCB phát triển sản xuất, HTX của ông Đoàn còn tích cực tham gia đóng góp vào công tác an sinh xã hội. Ông Đoàn cho biết, 5 năm qua, HTX đã trích khoảng 300 triệu đồng cùng với địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà tết cho các hộ nghèo, neo đơn, đối tượng khó khăn, thương binh, bệnh binh, học sinh nghèo vượt khó và hỗ trợ hoạt động cho các đoàn thể trong thôn... Riêng cá nhân ông và gia đình cũng đã nhiệt tình ủng hộ hơn 110 triệu đồng vào phong trào xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch COVID-19, lũ lụt miền Trung và hỗ trợ cây, con giống cho các hộ nghèo, khó khăn. “Xuất phát điểm từ nghèo khó, bản thân tôi hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người nghèo, do vậy, nay khi cuộc sống có phần ổn định, tôi muốn chia sẻ phần nào khó khăn cho những hoàn cảnh này”, ông Đoàn nói.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và đóng góp của mình cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhiều năm liền, CCB Lê Trọng Đoàn luôn được các cấp Hội CCB và các cấp chính quyền tặng Giấy khen, Bằng khen trong Phong trào “CCB gương mẫu”, sản xuất, kinh doanh giỏi; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong hoạt động của Hội Người cao tuổi. Đặc biệt, mới đây, ông cũng đã vinh dự được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tôn vinh là một trong những gương sáng đời thường của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin