Cil Sia Duyên - hết lòng với người dân Măng Line

THẢO LINH 06:40, 20/12/2023

Là địa bàn có đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chị Cil Sia Duyên (45 tuổi, tổ dân phố Măng Line, Phường 7, TP Đà Lạt) luôn nỗ lực, vượt khó làm kinh tế giỏi, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hơn thế, Cil Sia Duyên với lối sống giản dị, gần gũi, biết chia sẻ, động viên mọi người, hết lòng vì cộng đồng, đầu tàu gương mẫu trong các phong trào hoạt động của địa phương.

Chị Cil Sia Duyên (mặc áo thổ cẩm) tuyên truyền, vận động người dân
Chị Cil Sia Duyên (mặc áo thổ cẩm) tuyên truyền, vận động người dân

Mùa nắng cũng như mùa mưa, bước chân người phụ nữ Lạch - Cil Sia Duyên đều đặn trên các nẻo đường làng, đến từng nhà vận động, tuyên truyền, giúp bà con ở tổ dân phố Măng Line nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cũng như các phong trào hoạt động ở khu dân cư. Đối với Cil Sia Duyên, được làm một điều gì đó hữu ích cho bà con, cho cộng đồng là niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời. Những ngày đầu làm công tác xã hội ở tổ dân phố, Cil Sia Duyên còn nhớ như in trong tâm trí: “Thời điểm ấy, đi tuyên truyền, vận động một việc gì đó không phải là dễ. Người nghe mình cũng nhiều, nhưng có một số người không phản đối mình ra mặt, nhưng ngấm ngầm không làm theo. Có những cặp vợ chồng hay đánh nhau, sinh đẻ nhiều con, hoặc thanh niên suốt ngày say xỉn không chịu làm ăn..., mình đến vận động một lần không được thì nhiều lần. Thuyết phục mãi, người ta cũng nghe theo”.

Quả thật, để hiểu được tâm tính, hoàn cảnh, điều kiện sống, cũng như phong tục tập quán của bà con không phải là dễ. Mặc dù là vùng ven TP Đà Lạt, nhưng bà con dân tộc thiểu số nơi đây luôn sống khép kín, bó bọc trong buôn làng, hay e ngại, ít trải lòng với người ngoài. Chính vì thế, cần một cán bộ cơ sở am hiểu, thông cảm và chia sẻ với từng phận người, từng hoàn cảnh như chị Cil Sia Duyên. Với vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Măng Line, Cil Sia Duyên không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn thu xếp thời gian để gần gũi, động viên những chị em gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Một trong những cái khó mà Cil Sia Duyên nhớ lại: Thời điểm những năm 2011-2012, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Măng Line vẫn còn diễn ra. Để ngăn chặn được không phải là dễ; đa phần sự việc xảy ra rồi, người ngoài, cũng như cộng đồng khu dân cư mới biết. Với tập tục ăn ở với nhau trước, cưới rước sau. Khi biết được có trường hợp tảo hôn, hay hôn nhân cận huyết thống thì cặp vợ chồng trẻ đó đã có con với nhau. Nên không sâu sát, không am hiểu thì khó có thể nhận diện được việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hơn nữa, mặc dù đây là hành vi trái với pháp luật, nhưng để ngăn chặn nó là điều khó. Đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biện pháp hiệu quả nhất là nâng cao nhận thức của người dân, hiểu được những hệ lụy của nó để lại, khi đó tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết mới được chấm dứt triệt để. Hiểu được căn nguyên của vấn đề, Cil Sia Duyên đến từng nhà, tuyên truyền vận động người dân, khuyên bảo con trẻ tránh xa việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mưa dầm thấm lâu, lời nói và việc làm của chị xuất phát từ cái tâm, tinh thần trách nhiệm, nên bà con lắng nghe và làm theo. 5 năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Măng Line không còn nữa. Mỗi khi Cil Sia Duyên cập nhật được cách làm hay trên sách báo, hoặc qua những đợt tập huấn, chị lại phổ biến ngay cho bà con để tình trạng này không tái diễn. Việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở Măng Line cũng được thực hiện tốt. Nếu như cách đây 10 năm, việc sinh con thứ 3 trở lên còn nhiều, thậm chí nhiều gia đình có 4 đến 6 mặt con. Nhưng đến năm 2022-2023, cả tổ dân phố Măng Line chỉ còn 1 đến 2 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Đó là những kết quả đáng mừng, mà không nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm được điều đó. “Bản thân tôi cũng được chị Cil Sia Duyên hướng dẫn rất nhiều thứ như: chỉ cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, sinh đẻ có kế hoạch. Tôi nghe lời chị nên chỉ sinh 2 con thôi để có điều kiện lo cho các con ăn học trưởng thành”, chị Cil Hậu Mi ở tổ dân phố Măng Line cho biết.

Để giúp người dân, nhất là chị em phụ nữ nơi đây xóa được đói, thoát được nghèo, ngoài nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do Cil Sia Duyên làm tổ trưởng tổ vay vốn, chị còn thành lập tổ hùn vốn với sự tham gia của trên 70 chị em. Hình thức hoạt động của tổ này rất linh hoạt, cứ đầu năm, chị em nào có điều kiện thì đóng nhiều tiền, có ít thì hùn ít. Hàng tháng họp các thành viên lại đánh giá, đồng thời, chị em nào có tiền thì hùn thêm. Cuối năm tổng kết và hoàn trả gốc lẫn lãi cho những người tham gia góp vốn. Thông qua cách làm này, đã tạo điều kiện cho nhiều chị em được vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư hiệu quả vào chăn nuôi, trồng rau, hoa, hoặc buôn bán nhỏ. Tổ hùn vốn của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Măng Line hiện có trên 450 triệu đồng, duy trì hoạt động đều đặn và hiệu quả suốt 4 năm qua.

Đến nay, tổ dân phố Măng Line có trên 160 hộ dân, trong đó có 127 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không còn hộ nghèo; số hộ khá và giàu tăng mạnh qua các năm. Người dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở khu dân cư. “Có thể nói, tổ dân phố Măng Line có được như ngày hôm nay trong việc phát triển kinh tế, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, phong trào khuyến học, nhất là xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,... có một phần đóng góp không nhỏ của chị Cil Sia Duyên. Những việc làm của chị rất vô tư, không tính toán thiệt hơn, mà vì lợi ích chung của cộng đồng nên được bà con trong tổ dân phố rất tin yêu”, bà Bùi Thị Thảo Trang - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường 7 cho biết.