Thứ 4, 02/04/2025, 07:11

Đa Nhim nước bạc hoá vàng

DIỆP QUỲNH 06:40, 29/12/2023

Một trong những công trình thủy điện lớn và nhiều bề dày lịch sử của miền cao nguyên; một trong những hồ chứa và nhà máy thủy điện hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam - nơi mỗi giọt nước bạc hoá dòng điện vàng, mang ánh sáng đến với những mái ấm, nhà máy, ngôi trường. Đó là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và hồ chứa nổi tiếng: hồ Đa Nhim.

Ca nô dùng trong giám sát hồ chứa Đa Nhim
Ca nô dùng trong giám sát hồ chứa Đa Nhim

ĐỘ CAO CHÊNH LỆCH CỘT NƯỚC: 800 M

“Độ cao chênh lệch cột nước giữa hồ chứa Đa Nhim với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim tới 800 m, là một trong những độ cao chênh lệch lớn nhất cả nước, độ cao hết sức lý tưởng với một công trình thủy điện. Gắn bó với ngành điện suốt cuộc đời nhưng mỗi lần nhìn đường ống thủy áp đưa nước từ hồ Đa Nhim xuống nhà máy, tôi vẫn ngưỡng mộ hiệu quả hoạt động của dòng nước, khâm phục tầm nhìn của những người xây dựng công trình từ 60 năm trước”, ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, đơn vị quản lý, vận hành và khai thác Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim chia sẻ.

Với con mắt của người kỹ sư đã gắn bó cuộc đời với ngành thủy điện, ông Đỗ Minh Lộc bảo, độ cao chênh lệch cột nước giữa nhà máy và hồ chứa khiến thế năng rất cao, chỉ cần ít nước để sản xuất ra nhiều điện. Với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, chỉ cần 0,55 m3 nước để sản xuất ra 1 kWh điện. Trong khi với các nhà máy thủy điện khác, với chênh lệch cột áp nước thấp, phải cần nhiều nước hơn để sản xuất. Có những nhà máy, phải cần tới 2-3 m3, thậm chí 5 m3 nước mới sản xuất được 1 kWh điện. “Hồ chứa Đa Nhim không phải là hồ lớn, chỉ có dung tích 165 triệu m3 nước. Nhưng dung tích hữu ích lên tới 155 triệu m3 nước, là một trong những hồ chứa hiệu quả nhất của công ty chúng tôi nói riêng và trong hệ thống các hồ chứa trong khu vực nói chung. Và vùng đất D’ran, Đơn Dương thực sự là nguồn nước khổng lồ, giúp lượng nước hồ luôn ổn định ngay cả những lúc khô hạn khốc liệt nhất”, ông Lộc tâm sự.

Được xây dựng từ năm 1961 tới năm 1964, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã hoạt động bền bỉ suốt 60 năm qua, cung cấp điện cho khu vực Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà. Đồng thời, nước từ thủy điện Đa Nhim còn phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ha đất canh tác của tỉnh Ninh Thuận vốn là địa phương có lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất cả nước. Dòng nước bạc từ hồ Đa Nhim mỗi năm tạo ra hàng tỷ kWh điện, thắp sáng dọc những vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận khô cằn. 

Dòng nước bạc từ hồ Đa Nhim mỗi năm tạo ra hàng tỷ kWh điện, thắp sáng dọc những vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận khô cằn.

Kiểm tra động cơ nâng - hạ cửa xả tràn
Kiểm tra động cơ nâng - hạ cửa xả tràn

CHẮT CHIU DÒNG NƯỚC BẠC

“Nhiều người cứ nghĩ, thuỷ điện là dòng chảy vô tận, nước từ trên trời chảy xuống, quay tua - bin là ra điện. Nhưng trên thực tế, người làm thuỷ điện chúng tôi luôn nhắc nhở mình và đào tạo người lao động rằng, phải sử dụng tài nguyên nước đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, công ty cũng đã xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng hợp lý tài nguyên”, ông Đỗ Minh Lộc tâm tình. Dòng nước bạc từ hồ Đa Nhim luôn được sử dụng hợp lý nhất để tạo ra nguồn điện dồi dào nhất. 

Ông Lộc cho biết, ngoài sản xuất và cung cấp điện, trung bình mỗi năm, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cung cấp cho các vùng sản xuất nông nghiệp Ninh Thuận 600 triệu m3 nước. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, công ty phải làm việc với địa phương để xây dựng kế hoạch cung cấp điện - nước, đảm bảo hài hoà giữa nhu cầu của cư dân và nhiệm vụ của đơn vị. Mỗi giọt nước từ Đa Nhim luôn được cố gắng sử dụng đúng nơi đúng chỗ, để dòng nước bạc hoá màu xanh cho lúa, bắp, hoá dòng ánh sáng vàng cho nhà máy, công xưởng. 

Năm 2023, Công ty đã hoàn thành việc nâng cấp công suất các thiết bị của nhà máy, mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với công suất 80 MW. Việc sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng, đào tạo, tập huấn người lao động về tuân thủ quy trình lao động, vận hành hiệu quả các thiết bị điện, thực hiện tiết kiệm năng lượng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên của doanh nghiệp. Ông Lộc cũng chia sẻ, năm 2004, sau 40 năm vận hành, hết vòng đời thiết bị, nhà máy đã thay thế rất nhiều thiết bị mới hiệu quả hơn, vận hành dễ hơn, tiết kiệm hơn. Duy chỉ có hồ chứa, với sự bảo dưỡng nghiêm ngặt, vẫn cho hiệu quả chứa nước rất ổn định. Ngay giữa năm 2023, năm khốc liệt với các hồ chứa thủy điện, hồ chứa Đa Nhim vẫn đảm bảo đủ lượng nước để phát điện đều đặn, giúp vùng Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giảm cắt điện luân phiên. 

Ông Đỗ Minh Lộc cho biết thêm, không chỉ có Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sử dụng nước của hồ chứa Đa Nhim. Dưới Nhà máy Đa Nhim còn có thêm một nhà máy thủy điện của công ty là Nhà máy Thủy điện Sông Pha. Nhà máy này tận dụng nguồn nước từ Nhà máy Đa Nhim xả để phát điện. Cụm tổ hợp 2 Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha mỗi năm sản xuất 1,3 tỷ kWh điện, chiếm xấp xỉ 50% sản lượng điện của toàn công ty. Thậm chí, sau Sông Pha, còn có thêm một nhà máy thủy điện nhỏ tiếp tục sử dụng dòng nước để phát điện, tận dụng triệt để dòng nước bạc Đa Nhim. “Tận dụng từng hạt nước trời, bảo đảm dòng điện sáng, dòng kênh bạc tưới tắm ruộng đồng là nhiệm vụ của người làm thủy điện chúng tôi. Và dòng Đa Nhim sẽ mang lại no ấm, mang lại ánh sáng cho dải đất cằn khô khát”, lời tâm sự của người cán bộ cả đời gắn với các công trình thủy điện cũng là lời tri ân với dòng nước bạc chảy trên cao nguyên xanh.