Dấu ấn tích cực của ngành Lao động - Thương binh và xã hội

NHẬT MINH 07:08, 31/12/2023

Trong năm 2023, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sỹ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sỹ

Theo bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong năm 2023, ngành đã phát huy tốt chức năng tham mưu quản lý Nhà nước các chỉ tiêu trên 3 lĩnh vực: Lao động, người có công và xã hội. Cùng với đó, tập thể Ban Giám đốc Sở có sự đồng thuận trong điều hành; chỉ đạo sát sao và thường xuyên đi công tác cơ sở để nắm bắt tình hình và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương và triển khai nhiệm vụ của ngành, qua đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành. Đồng thời, tập thể Ban Giám đốc Sở, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động của ngành từ Sở, huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã bám sát chủ trương và sự chỉ đạo cấp trên, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành để triển khai thực hiện đạt kết quả theo kế hoạch đề ra trong năm. 

Kiểm tra mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo theo Kế hoạch 1338 của UBND tỉnh
Kiểm tra mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo theo Kế hoạch 1338 của UBND tỉnh

Cụ thể như: Sở đã tham mưu kế hoạch số 1338 ngày 24/2/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền là khoảng trên 25 tỷ đồng nhằm hỗ trợ sinh kế các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. 

Mô hình trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong CBCCVC, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua cả nước “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, chống lại tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng; nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện công tác giảm nghèo và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng trong vận động nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, cận nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững; đến nay, việc thực hiện mô hình vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm

Song song với các hoạt động trên, trong năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cũng được Ban Giám đốc Sở chỉ đạo quyết liệt, tiêu chí về giảm nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,05% so với năm 2022. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 44,94 triệu đồng/người (tăng 20% năm 2022). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cũng theo bà Lê Thị Thêu, trong năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành đạt và vượt kế hoạch được giao. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH đã giới thiệu việc làm cho 25.600 lượt lao động, đạt 102,4% so với kế hoạch năm. Trong đó, tạo việc làm mới 10.500 lao động, đạt 105% so với kế hoạch năm; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 350 lao động, đạt 100% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 0,53%, trong đó khu vực thành thị là 1,04% và khu vực nông thôn là 0,23%. Kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong năm đạt 37.000 người, tăng 102,77% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,37%, đạt 101% so với kế hoạch năm, trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 22,73%, đạt 100,4% so với kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, các hoạt động trọng tâm khác của ngành như: Chăm sóc người có công; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội và bình đẳng giới... cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Song song với các hoạt động trên, trong năm vừa qua, để nâng cao chỉ số cải cách hành chính và công tác chuyển đổi số, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này; xây dựng kế hoạch về chuyên đề cải cách hành chính để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hội nghị. Kết quả chỉ ra những tồn tại, hạn chế về công tác theo dõi, đánh giá; chi phí, nguồn lực cho cải cách hành chính; trang thông tin điện tử... Sở đã chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế này. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở LĐ-TB&XH xếp thứ 12/16 sở, tăng 5 bậc so với năm trước; xếp hạng về chuyển đổi số 8/24 sở, ngành.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng sẽ triển khai toàn diện, có kết quả các nhiệm vụ của ngành, trong đó tập trung phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản như: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 0,5-1%, trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1-2%; giải quyết việc làm từ 26 đến 27 nghìn lượt lao động. Trong đó, số lao động được giải quyết việc làm mới từ 8 đến 10 nghìn người. Số lao động được vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm trên 3,5 nghìn người. Ngoài ra, tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm, với số người được hỗ trợ việc làm 5.500 người. Duy trì tỷ lệ lao động thất nghiệp chung dưới 1,2%, khu vực thành thị dưới 2%; phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 82%, trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ 23,7% (tăng thêm 1% so với năm 2023)...