Đồng hành với phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế

VIỆT HÙNG 06:13, 27/12/2023

Xác định công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bảo Lâm đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm giúp phụ nữ DTTS phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Bảo Lâm thường xuyên hỗ trợ cho phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn
Các cấp Hội Phụ nữ huyện Bảo Lâm thường xuyên hỗ trợ cho phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm cho hay, toàn huyện hiện có trên 30% hội viên phụ nữ DTTS, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã tập trung vận động phụ nữ DTTS trên địa bàn đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn. Một trong những giải pháp phù hợp, thiết thực, cụ thể mà các cấp Hội Phụ nữ huyện Bảo Lâm triển khai thực hiện để hỗ trợ chị em phụ nữ DTTS phát triển kinh tế là nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh nhỏ lẻ tại các mô hình như: sinh kế, khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế, vần đổi công, tiết kiệm… 

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp hội viên phụ nữ DTTS nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ DTTS phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia Phong trào “Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế”. Qua đó nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp chị em phụ nữ DTTS tự tin khởi nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Hội đã tín chấp cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 32 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế cho 5 chị trong mô hình khởi nghiệp với số tiền 50 triệu đồng; cho vay từ quỹ tiết kiệm tại tổ với số tiền 100 triệu đồng/10 hội viên và hỗ trợ thêm từ các nguồn vốn huy động khác như tổ hùn vốn, tổ tình thương, tổ 5 giúp 1… Ngoài ra, chị em phụ nữ còn giúp nhau về cây giống, con giống, tiền, vàng, ngày công… để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.

Hội LHPN huyện cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ DTTS ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần giúp hội viên phụ nữ DTTS tiếp cận công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cho thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Các sản phẩm từ các mô hình sinh kế, tổ hợp tác do chị em phụ nữ DTTS làm chủ đã ứng dụng công nghệ 4.0 như zalo, facebook, quảng cáo… dần được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn như cà phê, sầu riêng, hoa kiểng, gùi, thổ cẩm… Đặc biệt, là 1 trong 7 địa phương trên toàn tỉnh triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện Bảo Lâm đã thành lập 15 mô hình, trong đó có 4 mô hình kinh tế với 100% hội viên phụ nữ DTTS tham gia. Các mô hình đã giúp cho chị em nâng cao nhận thức về mọi mặt, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và đã tự giác trong học tập, lao động sản xuất, tích cực tham gia công tác Hội và phong trào phụ nữ cũng như các phong trào ở địa phương.

Nhiều chị em phụ nữ DTTS đã mạnh dạn, tự tin, tự chủ hơn trong cuộc sống, biết khởi nghiệp từ những tiềm năng của địa phương, mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như: chị Ka Nhụy với mô hình khởi nghiệp “Cà phê rang xay mộc LeK”; chị Ka Ma Ry với mô hình khởi nghiệp “Vườn ươm bon sai, kinh doanh cây cảnh, hoa cảnh và khu du lịch sinh thái”; chị Ka Mét với mô hình “Chuyển đổi cây trồng sầu riêng công nghệ cao”; chị Ka Kim Cương, Ka Mhén với mô hình “Chuyển đổi cây trồng công nghệ cao bơ, sầu riêng, chăn nuôi khép kín”... Các mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. 

“Không chỉ đổi mới hoạt động vận động phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Bảo Lâm còn chú trọng hướng các hoạt động về cơ sở, gắn việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với việc tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS thực hiện Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong vùng đồng bào DTTS với nhiều hình thức phù hợp với tập quán sinh hoạt, vận động chị em mạnh dạn xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… Qua đó đã có những tác động tích cực đối với phụ nữ DTTS trong việc chuyển đổi tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa để chị em chủ động phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ.