Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số

TUẤN HƯƠNG 05:59, 13/12/2023

Cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực khác, chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã giúp chị em giảm nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ DTTS.

Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 nhằm nâng cao vị thế 
của phụ nữ DTTS
Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS

ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO HỘI VIÊN PHỤ NỮ

Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đơn Dương phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và thị trấn Thạnh Mỹ khai giảng vào đầu tháng 10 vừa qua tại tổ dân phố M’Lọn thu hút 25 chị là hội viên phụ nữ DTTS tham gia. Chị Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho hay, Hội LHPN huyện có 11 cơ sở hội với gần 12.000 hội viên, là huyện thuần nông, phần lớn hội viên phụ nữ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Những năm trước, đời sống của chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Do đó Hội đã phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm giúp chị em có thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của địa phương.

Hàng năm, Hội LHPN huyện Đơn Dương đều xây dựng kế hoạch và triển khai công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của hội viên phụ nữ và phù hợp với tình hình của địa phương. Hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện thường xuyên tuyên truyền, tư vấn chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là hội viên phụ nữ, giúp chị em nắm bắt được các thông tin thị trường lao động, các chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội cùng các đơn vị phối hợp đã thực hiện được 6 lớp nghề cho lao động nông thôn với hơn 300 học viên, trong đó phần đông là hội viên phụ nữ DTTS với các nghề như: dạy nấu ăn, kỹ thuật cắm hoa, kỹ thuật làm bánh, kỹ thuật trồng rau, hoa… “Đa số chị em hội viên sau khi học nghề đều nắm vững kiến thức các nghề được đào tạo, hình thành được kỹ năng nghề, ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào sản xuất, có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”, chị Hà cho biết. 

Năm 2023, Hội LHPN các huyện, thành phố trong tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 20.000 hội viên phụ nữ với các nghề đan lát, móc len, may công nghiệp, cắt tóc, trang điểm, cạo mủ cao su, nấu ăn, cắm hoa, làm bánh… Qua đó, hội viên phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng đã có nhiều cơ hội được đào tạo nghề, có việc làm nâng cao thu nhập.

• GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo… Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, thực hiện các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 330.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 60%, tỷ lệ lao động sau khi đào tạo có việc làm đạt trên 80%. 

Bên cạnh công tác đào tạo nghề thì giải quyết việc làm cũng luôn được chú trọng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm đến các xã, thôn khó khăn, vùng DTTS nhằm giúp người lao động có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp tuyển dụng để tìm kiếm việc làm theo đúng nguyện vọng. 

“Những năm qua, hàng ngàn phụ nữ DTTS trong tỉnh đã được tiếp cận với nhiều chương trình dạy nghề. Thông qua việc được đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Điều này không chỉ giúp gia tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho phụ nữ, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo. Ngoài các chương trình, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ DTTS, thì giai đoạn tới, việc thực hiện có hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tăng thêm cơ hội để nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS”, bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.