Lâm Hà: Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình

THÂN THU HIỀN 06:39, 20/12/2023

Những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) tại huyện Lâm Hà đã được các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt, địa phương thực hiện phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm sống, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Huyện Lâm Hà tăng cường các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ 
cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS
Huyện Lâm Hà tăng cường các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS

KỊP THỜI PHÁT HIỆN, XỬ LÝ

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Xác định phòng, chống BLGĐ là mục tiêu của toàn xã hội, vì vậy thời gian qua, các cấp, ban, ngành huyện Lâm Hà luôn tăng cường công tác phối hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ vào các chương trình, hoạt động đặc thù của ngành, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình và sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Qua đó, góp phần phòng, chống BLGĐ, giữ vững an ninh trật tự địa phương.

Trên thực tế, hầu hết nguyên nhân dẫn đến bạo lực là do say rượu, nghiện ma túy, khó khăn về kinh tế, học vấn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ còn thụ động, cam chịu, nhận thức của một bộ phận cộng đồng xã hội vẫn cho rằng chuyện chồng đánh vợ, cha mẹ, ông bà đánh chửi con cái là chuyện riêng tư, là việc dạy dỗ trong nhà nên không can thiệp vào... 

Trước tình trạng đó, trong thời gian qua, các đơn vị liên quan như công an, tòa án, tư pháp trên địa bàn huyện Lâm Hà đã phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý, hòa giải thành công nhiều vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng bạo hành gia đình kéo dài. 

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lâm Hà: Trong năm 2023, trên toàn huyện đã xảy ra 11 vụ bạo lực gia đình với các hình thức bạo lực thân thể và tinh thần. Qua đó, các thành viên tổ hòa giải đã tham gia hòa giải; trong đó, 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 125 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 85 vụ (đạt 68%), không thành công 38 vụ, 2 vụ chưa giải quyết xong; chủ yếu là những vấn đề mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng - nàng dâu, tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, mâu thuẫn hàng xóm láng giềng, anh em trong gia đình… 

ĐA DẠNG MÔ HÌNH

Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian qua, công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ đang có nhiều chiều hướng tích cực. Việc thành lập mới các CLB, đội nhóm, duy trì bền vững các mô hình đã tạo sức lan tỏa và sự đồng lòng của người dân, nhất là những người trực tiếp làm công tác gia đình tại thôn, tổ dân phố. Không chỉ kịp thời phát hiện, can thiệp, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp khi xảy ra BLGĐ trên địa bàn mà các xã, thị trấn đã xây dựng nhiều mô hình, đẩy mạnh phong trào, hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia; góp phần hạn chế BLGĐ.

Hiện, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 147 câu lạc bộ (CLB) gia đình; 25 nhóm phòng, chống BLGĐ; 46 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 51 số đường dây nóng tại các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố để tiếp nhận thông tin về phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, trên địa bàn đã xây dựng và duy trì hoạt động 177 CLB Gia đình văn hóa, CLB Gia đình phòng, chống BLGĐ với trên 10.000 hội viên tham gia; củng cố và duy trì 170 tổ hòa giải, với 1.000 hòa giải viên ở các địa phương. 

Cùng với việc thành lập CLB, huyện Lâm Hà tăng cường xây dựng mô hình thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ. Nổi bật như duy trì Mô hình “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết và mang thai sớm” tại thôn Bằng Sơn (xã Tân Thanh) được thành lập tháng 8/2019; Mô hình kiểu mẫu về Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với phòng, chống BLGĐ tại thôn Tân Bình, xã Tân Thanh với 50 hộ gia đình tham gia. Bên cạnh đó, duy trì 7 Mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình” tại các xã Nam Hà, Đông Thanh, Phi Tô, Tân Hà, Phúc Thọ, Tân Thanh và thị trấn Nam Ban với 220 thành viên tham gia. 

Ngoài ra, huyện Lâm Hà duy trì 14/16 cơ sở có tủ sách pháp luật. Trong đó, để người dân có nhiều kiến thức về vấn đề về phòng, chống BLGĐ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn thường xuyên bổ sung các đầu sách ngày càng phong phú nhằm giúp cho hội viên phụ nữ tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật hoặc tìm đọc những cuốn sách có liên quan đến phòng, chống BLGĐ. 

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ ngay từ cơ sở, cấp ủy, chính quyền huyện đã thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ; phối hợp với các ban, ngành thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống BLGĐ; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ với các hoạt động của Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, tạo sự chuyển biến hơn nữa về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các biện pháp phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi thành viên trong gia đình nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình trong phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội. Song song với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ tại các xã, thị trấn và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm Luật Phòng, chống BLGĐ.