Ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc

AN NHIÊN 08:41, 30/12/2023

(LĐ online) - Ngày 29/12, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức tổng kết Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin năm 2023.

Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tình hình sốt rét tỉnh Lâm Đồng có xu hướng giảm, năm 2023 chỉ có 2 ca sốt rét trên toàn tỉnh (1 ca tại huyện Di Linh, 1 ca ngoại tỉnh). Đối tượng mắc chủ yếu trong nhóm dân di biến động (người đi rừng, ngủ rẫy) chưa có biện pháp bảo vệ thích hợp, tập trung tại các huyện Đức Trọng, Di Linh.

Theo phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019, tỉnh Lâm Đồng có 92 xã nguy cơ sốt rét quay trở lại; 27 xã sốt rét lưu hành nhẹ; 3 xã sốt rét lưu hành vừa và 2 xã sốt rét lưu hành nặng.

Có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh sốt rét ở Lâm Đồng gia tăng bất cứ lúc nào như: Nguồn bệnh (cụ thể là ký sinh trùng) vẫn còn lưu hành. Dân di biến động đến các vùng sốt rét lưu hành ngày càng cao. Tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng Artemisinin - một trong những loại thuốc điều trị hiệu quả nhất hiện nay có nguy cơ lan rộng. Thời tiết diễn biến bất thường làm cho muỗi và ký sinh trùng sốt rét có điều kiện phát triển mạnh.

Trong những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng công tác phòng chống sốt rét tại Lâm Đồng cũng đạt nhiều kết quả: Bệnh nhân sốt rét, ký sinh trùng sốt rét tại một số huyện giảm đều qua các năm, không có dịch sốt rét xảy ra, không có ca tử vong do sốt rét ác tính.

Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn sốt rét vẫn còn cao tại các huyện trọng điểm sốt rét và các vùng thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh; chưa giám sát đầy đủ được số lượng người dân đi rừng, ngủ rẫy, khai thác lâm thổ sản, giao lưu biên giới…; chưa giám sát đầy đủ nguồn bệnh ở dân di biến động.

Sở Y tế tỉnh mong muốn sự quan tâm chặt chẽ của Ban quản lý dự án các huyện, thành phố cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Lâm Đồng là cực kỳ quan trọng và cấp thiết để Lâm Đồng tiếp tục đẩy lùi bệnh sốt rét, củng cố các yếu tố bền vững, ngăn chặn sốt rét quay trở lại, tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025.

Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2021-2023 (RAI3E) do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ. Chủ Dự án là Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Thời gian thực hiện dự án 3 năm (từ tháng 01/01/2021 đến 31/12/2023).

Tổng vốn của Dự án tại Lâm Đồng từ vốn ODA giai đoạn 2021-2023 là hơn 17 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 hơn 3,9 tỷ đồng (kinh phí bằng hiện vật khoảng 1 tỷ đồng và kinh phí bằng tiền chi cho hoạt động trong nước là hơn  2,8 tỷ đồng).

Dự án được triển khai tại 32 xã thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh gồm: Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đạ Huoai, Đam Rông, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đức Trọng.

Mục tiêu chung của dự án là tiếp tục đẩy lùi sốt rét, tập trung cao độ vào những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao, từng bước tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ở các tỉnh có sốt rét lưu hành, củng cố các yếu tố bền vững ngăn chặn sốt rét quay trở lại.
Năm 2023, với sự nỗ lực của toàn Dự án từ tỉnh đến địa phương nên các hoạt động cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch, góp phần vào thành công của Dự án Quốc gia Phòng chống và loại trừ sốt rét. Số ca mắc sốt rét năm 2023 giảm mạnh, 100% là ca bệnh sốt rét ngoại lai, không phát hiện ca bệnh sốt rét nội địa.
Công tác phòng chống véc tơ, bảo vệ dân vùng sốt rét lưu hành bằng màn tẩm, võng tẩm hóa chất tồn lưu dài đặc biệt cho người dân di biến động (ngủ rừng, ngủ rẫy, qua lại biên giới, người di cư) được đảm bảo. Công tác chẩn đoán và điều trị sốt rét được đảm bảo. Số người nghi ngờ mắc sốt rét được xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét luôn đạt 100% và 100% ca bệnh được điều trị sốt rét theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Điều tra ca bệnh, ổ bệnh và can thiệp ổ bệnh ngày càng được cải thiện góp phần ngăn chặn sự lan truyền sốt rét.

Công tác tổ chức chỉ đạo, giám sát được thực hiện đầy đủ nên dự án đã được triển khai theo đúng hướng dẫn; quản lý tài chính, quản lý tài sản được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.