Nữ cán bộ khuyến nông được bà con tin yêu

NDONG BRỪM 06:39, 21/12/2023

Là người con của buôn làng, với vai trò là cán bộ khuyến nông viên cơ sở, chị Ma Rương ở xã Đạ M’rông (Đam Rông) luôn tận tình, nhiệt huyết trong việc hướng dẫn bà con thực hiện mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, giúp người dân địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Chị Ma Rương (bên trái) luôn gần gũi với bà con, năng động, nhiệt huyết với công việc
Chị Ma Rương (bên trái) luôn gần gũi với bà con, năng động, nhiệt huyết với công việc

Sinh ra và lớn lên tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, sau khi lập gia đình, chị theo chồng về sinh sống tại buôn Đa Xế, xã Đạ M’rông, một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số toàn xã. Chị Ma Rương nhớ lại: Sau khi lấy chồng, chị về công tác tại Trung tâm Nông nghiệp huyện và phụ trách xã Đạ M’rông. Chị nhận thấy, trong sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây vẫn chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, còn phụ thuộc vào phong tục tập quán lạc hậu, nên trong công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn. “Năm 2016, trong số 16 hộ được chọn thực hiện dự án trồng dâu, nuôi tằm thì chỉ có 3 hộ tham gia và đều thành công. Thời gian đó, gia đình chồng tôi cũng như bao bà con trong vùng, trong năm chỉ biết trồng 1 vụ bắp, 1 vụ lúa nhưng không đầu tư chăm bón, mà cứ phó mặc cho trời nên năng suất mang lại rất thấp. Thấy vậy, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. Sau lứa đầu tiên, tôi bán được kén với thu nhập cao gấp từ 3-5 lần so với trồng bắp và lúa nước, nên tất cả anh chị em trong gia đình đều làm theo”, chị Ma Rương nói. 

Những hiệu quả mang lại đã tạo phong trào, sức lan tỏa đến nhiều hộ dân trong xóm, trong xã mạnh dạn chuyển từ trồng ngô, lúa 1 vụ sang trồng dâu, nuôi tằm, kinh tế gia đình ổn định. Đạ M’rông từ ngày ấy dần dần có nhiều thay đổi, đến nay đã có 300 hộ trồng gần 100 ha dâu, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn, cái đói, cái nghèo, hủ tục dần dần được đẩy lùi.

Là cán bộ khuyến nông, điều mà chị Ma Rương luôn canh cánh trong lòng là mình phải làm gì đó giúp người dân, chị em phụ nữ trong xã thay đổi tư duy sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chị hướng dẫn các hội viên phụ nữ, các hộ dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. 

Năm 2023, được sự tín nhiệm của chị em phụ nữ trên địa bàn xã, chị Ma Rương được bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Đạ M’rông. Chị Ma Rương chia sẻ: “Với vai trò là tổ trưởng, tôi là người trực tiếp tổ chức thực hiện và điều hành các hoạt động của tổ, thực hiện công việc được phân công, kiểm tra, kiểm soát... Đồng thời là người tổ chức sản xuất, theo dõi, hướng dẫn chị em trồng, chăm sóc cây dâu và nuôi tằm theo quy trình kỹ thuật đạt năng suất cao, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”; tuyên truyền các chị em trong Hội Phụ nữ, tổ hợp tác hỗ trợ nhau về công lao động, thu hái lá dâu, tăng gia sản xuất...”.

Không những thế, chị Ma Rương còn tìm tòi, xây dựng thương hiệu cho tổ hợp tác và hướng mở rộng sản xuất với các huyện lân cận, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài huyện. Qua đó, khuyến khích các hộ phát triển sản xuất dâu tằm theo hướng chuyên môn hóa, xây dựng chuỗi liên kết giữa các hộ nuôi tằm, giảm số hộ nuôi nhỏ lẻ để hình thành những hộ nuôi quy mô lớn. Chị Ma Rương bày tỏ, mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm hơn nữa đối với địa phương chính là nắm bắt nhu cầu sản xuất nông nghiệp; quan tâm và tạo điều kiện cho tổ hợp tác phát triển và trở thành Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông, chuyên cung ứng giống tằm con và thu mua kén cho bà con trong vùng. Tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để tăng số hộp tằm giống, chỉ tiêu xuất giống tằm đạt từ 100 - 200 hộp/tháng, để tăng thêm thu nhập cho chị em phụ nữ, giảm số hộ nông nhàn, tạo công ăn việc làm cho chị em hội viên, con em trên địa bàn xã…

Với những đóng góp của mình, chị Ma Rương đã được tỉnh và huyện Đam Rông tuyên dương, khen thưởng. Nhưng với chị, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin tưởng, yêu mến của bà con, đây là động lực giúp chị tiếp tục gắn bó, luôn đồng hành với bà con trong vùng về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc.