Với gần 12 nghìn hội viên thuộc 11 hội cơ sở, năm qua, Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương luôn quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống kinh tế, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ để có những hỗ trợ kịp thời. Nhờ sự quan tâm này, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ Đơn Dương ngày càng được nâng cao, chị em hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh và tích cực tham gia các phong trào do Hội và địa phương phát động.
Hội thường xuyên tổ chức các hội thi khởi nghiệp giúp hội viên tự tin phát triển kinh tế |
Để hỗ trợ hội viên phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Không chỉ tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, Hội còn vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn, hội thi khởi nghiệp nhằm trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh cũng như khơi dậy ý chí, tinh thần khởi nghiệp trong mỗi hội viên. Những giải pháp này từng bước giúp phụ nữ nâng cao thu nhập, khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hội đã thực hiện hiệu quả các hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; duy trì và phát triển các mô hình hỗ trợ vốn đa dạng như quỹ tiết kiệm, tổ hợp tác vốn và quỹ quay vòng vốn. Một trong những hoạt động này có thể kể đến là việc hỗ trợ 4 hội viên nghèo, cận nghèo vay hơn 60 triệu đồng từ nguồn Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo hay việc thành lập Tổ hợp tác vay vốn tại thôn Nam Hiệp 1 (xã Ka Đô) với 18 thành viên. Những nguồn vốn hỗ trợ này đã góp phần giúp hội viên yên tâm phát triển kinh tế, đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Không dừng lại về hỗ trợ vốn, hội viên cũng được hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, nhất là với các chị em phụ nữ vùng đồng bào DTTS, hội viên nghèo, cận nghèo… Năm qua, Hội đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 360 lượt hội viên tham dự; hỗ trợ giống, phương tiện sản xuất, kinh doanh cho 30 hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ thành lập mô hình Tổ hợp tác “Chăn nuôi heo lai rừng” tại thôn Ka Rái 2 (Ka Đơn). “Những hỗ trợ này đã giúp hội viên cải thiện năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi, tăng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của gia đình”, chị Nguyễn Thị Hà- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương, cho biết.
Mặc dù những chương trình hỗ trợ về vốn, kiến thức, kỹ thuật đã mang lại nhiều tác động tích cực trong việc nâng cao đời sống cho hội viên, Hội Phụ nữ huyện cũng nhận thấy, để phát huy hết tiềm năng cũng như khẳng định vai trò của phụ nữ, hội viên cần mạnh dạn hơn trong hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, Hội đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về khởi nghiệp; đồng thời, tổ chức các cuộc thi, lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên xây dựng dự án để nâng cao năng lực và kiến thức khởi nghiệp cũng như khích lệ và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Từ những hoạt động này, đã xuất hiện nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khả thi, có tính thực tiễn cao. Những ý tưởng này cũng đã đoạt được giải cao tại các cuộc thi về phụ nữ khởi nghiệp do tỉnh tổ chức.
Theo chị Hà, Hội không chỉ chú trọng vào việc khích lệ tinh thần khởi nghiệp và phát triển ý tưởng mà còn tích cực hỗ trợ hội viên triển khai thành công các sản phẩm OCOP và phát triển kinh doanh theo mô hình chuỗi. Điều này đã giúp nhiều hội viên tự tin triển khai các mô hình và ý tưởng mới, mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng và khắt khe của thị trường.
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương cũng nhấn mạnh, để phụ nữ có thể phát triển toàn diện, bên cạnh hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội còn quan tâm, hỗ trợ nhà ở, chăm sóc đời sống tinh thần và đặc biệt là việc thúc đẩy bình đẳng giới cho hội viên phụ nữ. Theo đó, thời gian qua, Hội đã hỗ trợ xây dựng 5 mái ấm tình thương, kinh phí hơn 140 triệu đồng cho hội viên khó khăn. Nguồn kinh phí này được Hội Phụ nữ các xã, thị trấn vận động, gây quỹ từ các hội viên, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Ngoài ra, Hội cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về giáo dục, chăm sóc con cái, phòng, chống mua bán người; ra mắt các mô hình nhằm nâng cao bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em.
Có thể nói, từ những nỗ lực này, Hội đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em phụ nữ. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ở địa phương cũng ngày càng được nâng lên. “Để là chỗ dựa vững chắc hơn, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức hoạt động, tích cực áp dụng công nghệ thông tin, sâu sát nắm bắt tình hình và tâm tư, nguyện vọng của hội viên; từ đó, có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Điều này cũng góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin