Công đoàn cơ sở giữa vùng tằm

DIỆP QUỲNH 06:31, 10/01/2024

Nam Ban - mảnh đất của vùng kinh tế mới khi xưa, nay với những bãi dâu bát ngát. Và, một doanh nghiệp chuyên xe tơ đã hình thành, với những người lao động mải miết bên những dàn máy ươm, cho ra đời những cuộn tơ trắng xuất khẩu.

Công nhân Công ty Huy Vạn Hạnh trong giờ làm việc
Công nhân Công ty Huy Vạn Hạnh trong giờ làm việc

Khởi điểm là một cơ sở xe tơ nhỏ của người dân vùng kinh tế mới, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh đang bước vào vụ sản xuất trong năm. Với sáu dàn máy ươm, 100 công nhân, Công ty Huy Vạn Hạnh mỗi năm xuất khẩu hàng trăm tấn tơ thô. Đặc biệt, Huy Vạn Hạnh cũng là doanh nghiệp vừa thành lập công đoàn cơ sở đầu tiên trong ngành sản xuất tằm tơ Lâm Hà. Là doanh nghiệp sản xuất tơ xe với mục tiêu xuất khẩu, việc thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại doanh nghiệp là hoạt động cả người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp hướng tới. Mục tiêu chung là xây dựng một doanh nghiệp mạnh mẽ, bền vững trong xuất khẩu.

Anh Hà Như Tú - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh cho biết, công ty thành lập và hoạt động từ năm 2017 nhưng tới cuối năm 2023, CĐCS mới được thành lập. Với đặc thù một doanh nghiệp chuyên sản xuất tơ, Công ty Huy Vạn Hạnh đã có truyền thống gắn bó với cư dân Nam Ban và các xã lân cận. Trong công ty, nhiều người lao động là bà con người dân tộc thiểu số sống xung quanh Nam Ban. Đặc thù của người lao động vùng nông thôn là khá dễ thay đổi công việc và vào vụ mùa, bà con cũng hay nghỉ ngoài kế hoạch để chăm lo cho kinh tế gia đình. Vì vậy, Ban Giám đốc công ty cũng như CĐCS rất kỳ vọng việc thành lập tổ chức Công đoàn sẽ là hạt nhân đoàn kết cho người lao động trong doanh nghiệp. Anh Tú chia sẻ: “Tại Huy Vạn Hạnh, người lao động chủ yếu làm việc trong nhà máy, không gian thoáng mát, vệ sinh tốt, an toàn lao động được đảm bảo. Với mức lương được tính theo sản lượng, thu nhập của người lao động Huy Vạn Hạnh ở mức khá, trung bình từ 9-11 triệu đồng/tháng, rất ổn với đời sống nông thôn. Những lao động làm việc lâu dài, công ty đóng bảo hiểm, trở thành thành viên của CĐCS. Như hiện tại, Công đoàn cơ sở Huy Vạn Hạnh có 44 đoàn viên. Những người lao động gắn bó bền bỉ với doanh nghiệp luôn có chế độ đãi ngộ tốt, từ lương, thưởng, các dịp lễ trong năm, người lao động đều được nghỉ ngơi theo đúng quy định của luật”.

Chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ quản lý của Huy Vạn Hạnh cho biết, đặc thù của doanh nghiệp ngành xe tơ là làm theo mùa vụ. Với những tháng mùa mưa, lượng tằm được nuôi nhiều, lượng kén dồi dào, người lao động có nhiều việc làm, thu nhập rất cao. Bước vào mùa khô, khi sản lượng kén giảm, người lao động cũng bị ảnh hưởng nhiều, giãn ca giãn việc. Nhưng với Huy Vạn Hạnh, doanh nghiệp luôn cố gắng đồng hành với người lao động trong mọi hoàn cảnh. Ngay giữa mùa khô, khi sản lượng kén thu mua được giảm tới mức thấp nhất, công ty vẫn cố gắng duy trì các nguồn kén bổ sung, đảm bảo việc làm đều đặn cho người lao động. Ông Nguyễn Ngọc Huy - Giám đốc Công ty cho biết, mục tiêu của Huy Vạn Hạnh là tiêu thụ hết lượng kén của nông dân Nam Ban và các vùng lân cận. Khi sản lượng kén tại Lâm Đồng thiếu, ông cố gắng tìm nguồn nhập từ nông dân trong khu vực như Đắk Lắk, Gia Lai, không sử dụng kén nhập khẩu. Theo ông Huy, kén tằm vùng Nam Ban có chất lượng cao nhất, sản xuất được những sợi tơ tốt nhất, đạt giá xuất khẩu ổn định nhất. Hiện có nhiều công nhân trong doanh nghiệp vẫn trồng dâu, nuôi tằm tại gia đình và nhập kén cho công ty. Vì vậy, với ông, người lao động trong doanh nghiệp cũng như bà con hàng xóm lân cận, là anh chị em, các cháu xung quanh. Ông rất ủng hộ khi công đoàn cơ sở ra đời. Ông Nguyễn Ngọc Huy mong mỏi, CĐCS sẽ là cầu nối giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người lao động, xây dựng mối đoàn kết giữa ban giám đốc và anh chị em công nhân. Mục tiêu của doanh nghiệp vẫn là xây dựng và giữ gìn được một đội ngũ người lao động chăm chỉ, có tay nghề, có trách nhiệm trong công việc và gắn bó lâu dài cùng Huy Vạn Hạnh. Năm 2023, Công ty Huy Vạn Hạnh xuất khẩu 145 tấn tơ xe với giá 63 USD/kg, tổng doanh thu đạt trên 9 triệu USD, con số đáng kể với một doanh nghiệp vùng tằm. Có được thành công ấy là nhờ sự đóng góp rất lớn của người công nhân trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, lãnh đạo công ty và tổ chức Công đoàn đều mong mỏi Huy Vạn Hạnh sẽ phát triển bền vững giữa vùng tằm Nam Ban, tạo dựng một doanh nghiệp xuất khẩu bền vững.