Đức Trọng: Tìm giải pháp phát triển cây xanh

NHẬT MINH 06:14, 23/01/2024

Năm 2023, tỷ lệ trồng cây xanh trên địa bàn huyện Đức Trọng chỉ đạt 80% kế hoạch được giao. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng “trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, trong năm 2024, huyện Đức Trọng đã đặt ra nhiều giải pháp thiết thực.

Tết trồng cây được phát động trên địa bàn huyện hàng năm đã được cán bộ và Nhân dân hưởng ứng tích cực
Tết trồng cây được phát động trên địa bàn huyện hàng năm đã được cán bộ và Nhân dân hưởng ứng tích cực

Theo UBND huyện Đức Trọng, địa phương hiện có tổng diện tích tự nhiên là 90.313,70 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 40.170 ha, chiếm 44,47%, gồm rừng đặc dụng 106 ha; rừng phòng hộ 18.083 ha và rừng sản xuất là 21.981 ha.

 Trên địa bàn huyện có 3 đơn vị chủ rừng Nhà nước với tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng được giao quản lý là 34.062,6 ha (gồm: Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh 17.353,0 ha, Tà Năng 16.603,6 ha và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 106 ha); có 27 đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước được giao, cho thuê đất để thực hiện dự án với tổng diện tích là 5.553,45 ha, trong đó: 24 tổ chức ngoài Nhà nước thuê đất với diện tích là 5.404,54 ha, 2 hộ gia đình thuê đất với diện tích 82,89 ha và 1 cộng đồng dân cư được giao đất với diện tích 66,02 ha.

Trong năm 2023, được sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện và sự vào cuộc của các ngành chức năng trên địa bàn huyện nên công tác quản lý, bảo vệ cũng như công tác trồng cây xanh đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều vụ vi phạm đã được kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời; công tác xã hội hóa nghề rừng từng bước được nâng cao, nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu có sự chuyển biến rõ nét. 

Huyện đã triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây xanh với tổng số lượng 892.863 cây, đạt 80% kế hoạch được giao. Trong đó, trồng cây xanh trên đối tượng đất ngoài lâm nghiệp đạt 78% kế hoạch, với 622.352 cây; trồng cây xanh trên đối tượng đất lâm nghiệp đạt 85% kế hoạch, với 270.511 cây.

Một số địa phương có kết quả thực hiện rất thấp so với chỉ tiêu được giao như: N’Thol Hạ 14%, Đa Quyn 30%; Ban QLRPH Tà Năng chưa thực hiện đạt chỉ tiêu các hạng mục trồng rừng làm dải phân cách và trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo Kế hoạch số 46 ngày 15/3/2023 của UBND huyện.

Theo UBND huyện Đức Trọng, trong quá trình thực hiện, địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Qua rà soát, diện tích đất trống đảm bảo các tiêu chí để thực hiện công tác trồng rừng tập trung của các đơn vị chủ rừng còn rất ít, manh mún, nhỏ lẻ không đủ tiêu chí để thiết kế trồng rừng. Diện tích qua rà soát là đất trống đưa vào thiết kế trồng rừng của các đơn vị chủ rừng đa số trùng với diện tích có rừng và trùng với diện tích đang giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng nên gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh hiện trạng rừng. 

Mặt khác, từ năm 2023 trở đi, các hạng mục trồng rừng có mức đầu tư trên 1 tỷ đồng phải thực hiện đấu thầu cạnh tranh qua mạng. Trong khi đó, mùa vụ trồng rừng trên địa bàn bắt đầu từ 1/6 - 30/8 là kết thúc, tuy nhiên, việc bắt buộc phải thực hiện công tác đấu thầu được các sở, ngành hướng dẫn chậm trễ (ngày 13/7/2023 mới có hướng dẫn), vì vậy đã phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch trồng rừng tập trung...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2209 ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh về trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, trong năm 2024, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch số 2209 ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 85 ngày 17/6/2021 của UBND huyện Đức Trọng; đồng thời, lồng ghép công tác thực hiện Đề án kèm theo Quyết định số 1836 ngày 25/8/2020 và Kế hoạch số 599 ngày 26/01/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2024 với chỉ tiêu trồng rừng mật độ dày làm dải phân cách giữa đất sản xuất nông nghiệp 50 ha và trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích với diện tích 200 ha; số lượng trồng cây xanh của năm 2024 là 1.094.000 cây (trong lâm nghiệp 310.297 cây, ngoài lâm nghiệp 783.703 cây).

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác trồng cây xanh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Kiên quyết đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi toàn bộ hoặc thu hồi một phần đối với các dự án trồng rừng nhưng chậm triển khai, không đủ năng lực, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật mà không có biện pháp khắc phục trồng rừng, trồng xen cây lâm nghiệp để khôi phục rừng; chỉ đạo thu hồi đối với các hồ sơ giao khoán theo các Nghị định 01, 135, 168 nhưng không thực hiện đúng theo hợp đồng/phương án đã ký kết, sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện đầu tư trồng rừng, trồng xen theo hợp đồng khoán...