Già làng K’Breo - điểm tựa tinh thần của Bảo Thuận

NHẬT QUỲNH 06:21, 09/01/2024

Đi qua hơn 70 mua nương rẫy, dù tóc đã bạc, mắt đã mờ, nhưng chưa bao giờ bước chân của già làng K’Breo ngưng nghỉ. Ở xã Bảo Thuận, ông vẫn ngày ngày miệt mài đến từng thôn, từng ngõ để khuyên răn con cháu chăm lo học hành, phát triển đời sống; khuyên nhủ bà con nỗ lực, hăng say phát triển kinh tế. Hơn 40 năm qua, già K’Breo vẫn luôn tận tụy, trách nhiệm để đồng hành với bà con K’Ho Srê nơi đây. 

Già làng K’Breo
Già làng K’Breo

Ông là một trong những người con ưu tú của người dân K’Ho Srê, cùng với hơn 440 đại biểu khác về tham dự Ngày hội gặp mặt, biểu dương, tôn vinh người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức vừa qua. Tại ngày hội, già làng K’Breo đã có nhiều chia sẻ về đời sống, văn hóa đậm nét của người K’Ho Srê và cả niềm tự hào về những đổi thay của bà con đồng bào DTTS vùng Bảo Thuận (huyện Di Linh).

Sinh ra và lớn lên ở Bảo Thuận, già K’Breo thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của bà con vùng đồng bào DTTS, “chính vì vậy mà khi còn trẻ, tôi luôn phấn đấu học tập, nỗ lực vươn lên với mong muốn góp sức giúp bà con có được cuộc sống tốt hơn”, già K’Breo nói. Trong suốt những năm đảm nhận vai trò Bí thư xã Bảo Thuận trước đây, già luôn gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con; từ đó, đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ bà con cải thiện đời sống. Nhờ sự chân thành, hết lòng đó mà bà con K’Ho ở Bảo Thuận luôn dành sự quý trọng đặc biệt cho già K’Breo.

Về thôn Bảo Tuân, nơi già K’Breo sinh sống, nay những ngôi nhà khang trang, vững chãi đã dần thay thế cho những căn nhà lá lụp xụp; đường sá sạch sẽ, rộng rãi; bà con hăng say lao động; những đứa trẻ háo hức cùng bạn bè đến trường. Bộ mặt nông thôn so với nhiều năm trước đã dần khởi sắc. “Khoảng 30 năm về trước, người dân thôn ở trong khu căn cứ Bảo Tuân, bao quanh là rừng núi, đời sống khó khăn không kể hết, để chăm lo đời sống người dân được tốt hơn, huyện cùng với địa phương tăng cường vận động bà con ra khỏi khu căn cứ, để ổn định cuộc sống”, ông K’Breo kể. 

Do người dân đã sống lâu trong khu căn cứ, việc vận động người dân chuyển tới nơi định cư mới gặp rất nhiều khó khăn. Quyết tâm cao, già K’Breo lặn lội vào khu căn cứ, “bám làng, bám dân”, trực tiếp tuyên truyền, vận động. Tối đến, già K’Breo lại khuyên nhủ già làng, thuyết phục bà con ra ngoài. Cứ thế, ròng rã hơn 4 tháng cùng ăn, cùng ở, vận động, cuối cùng bà con cũng đồng ý chuyển tới địa bàn mới để thành lập thôn Bảo Tuân ngày nay. Tại đây, bà con được chính quyền cấp đất ở, đất sản xuất, cây, con giống để ổn định cuộc sống mới. Đối với những hộ chưa nắm vững cách trồng, chăm sóc lúa, cà phê, già cùng với hệ thống chính trị của thôn luôn đồng hành, tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho bà con. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một cải thiện. Già K’Breo kể, “mỗi khi gặp lại những người dân từng sống ở khu căn cứ, bà con rất biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ để có cuộc sống như ngày nay”.

Đây là động lực để suốt mấy chục năm qua, già làng K’Breo vẫn miệt mài góp sức dựng xây quê hương. Không chỉ vận động, tuyên truyền bà con vùng đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, già làng K’Breo còn gương mẫu, đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tại địa phương; đặc biệt là giữ gìn và gắn chặt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.

Để công tác tuyên truyền, vận động được hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, tin yêu của bà con vùng đồng bào DTTS, già cho rằng, trước hết, bản thân phải thực sự gương mẫu, đi đầu. “Mình có làm, thì bà con mới tin”, già K’Breo cho biết. Hơn nữa, theo già K’Breo, việc tuyên truyền, vận động phải khéo léo, mềm mỏng, không ép buộc, cần có sự lắng nghe, chia sẻ để hiểu được tâm tư của người dân; từ đó, mới có hướng vận động, hỗ trợ phù hợp, thiết thực.

Già K’Breo cũng là một trong số những người đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Già K’Breo chia sẻ: Bên cạnh việc xóa bỏ những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong lễ cưới, ma chay, người K’Ho ở Bảo Thuận vẫn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp như tổ chức lễ hội cúng mùa lúa mới, duy trì làng nghề rượu cần, mở lớp học tiếng K’Ho và giữ âm vang cồng chiêng, điệu múa xoang từ các câu lạc bộ văn hóa.

Chứng kiến Bảo Thuận chuyển mình và phát triển, đời sống người dân ấm no hơn, hạnh phúc hơn - niềm mong mỏi già K’Breo đã phần nào trở thành hiện thực. Dù nay tuổi đã cao, sức khỏe không còn như xưa, nhưng già tin rằng, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối những nỗ lực, cố gắng của lớp người đi trước như ông để xây dựng Bảo Thuận giàu đẹp hơn.