Hết lòng làm việc nghĩa

THẢO LINH 06:29, 25/01/2024

Công việc mới chỉ nghe thoáng qua, người yếu bóng vía đã rùng mình phát hoảng, nhưng đối với ông Dương Văn Bé (sinh năm 1968, ngụ tại thôn Hiệp Thành 1, xã Tam Bố, huyện Di Linh) đã trở nên bình thường, xem đó như một việc nghĩa cần phải làm đối với người quá cố. 

Ông Dương Văn Bé chuyên làm việc nghĩa
Ông Dương Văn Bé chuyên làm việc nghĩa

Tình cờ, tôi gặp ông Dương Văn Bé tại một đám xây mộ ở xã Tam Bố. Chủ nhà có người quá cố mời bữa cơm để cảm tạ, chứ nói đến chuyện tiền nong thì ông Bé từ chối ngay. Vì đó là cái tình, cái nghĩa mà ông Bé dành cho người đã khuất và gia chủ hàng chục năm nay. Trong làng này, cũng như địa bàn huyện Di Linh và Đức Trọng, ai nhờ, thậm chí nghe tin là ông Bé tìm đến ngay để khâm liệm cho người quá cố. Bởi ông rất hiền từ, nhiệt tình, chu đáo. Vả lại thời buổi này, mấy ai chịu theo đuổi công việc này mà không công. 

Ông Dương Văn Bé chậm rải kể công việc của mình: “Trước đây cũng có một người bạn chuyên khâm liệm người chết mà không lấy tiền công. Nhưng sau đó, ông ấy đã đi xa, tôi thấy không có ai làm nữa, nên đã kế tục. Có nhiều người khuyên bảo, công việc ấy dễ lây bệnh tật cho bản thân mình, nhưng tôi cũng không để tâm lời họ nói. Tôi nghĩ, niềm vui lớn nhất của mình là làm để giúp người, tạo phước cho con, cho cháu”. 

Hơn 30 tuổi, ông Bé đã làm công việc này cho đến tận hôm nay. Khi có người qua đời, là người ta lại gọi cho ông. Có những người qua đời vì nhiều lý do mà người thân của họ không dám lại gần. Hay gặp phải những người chết vì tai nạn giao thông, bị đuối nước nhiều ngày mới vớt được thi thể, ông phải gom nhặt từng phần thân thể vương vãi, cố gắng làm sao cho hình hài được đầy đủ; hoặc những người chết do đau lâu, ốm dài, mùi hôi thối, nhưng ông Bé vẫn chu đáo tắm rửa, sửa sang, mặc áo quần cho người đã khuất. Có những trường hợp không có người thân, nhưng ông Bé vẫn không nề hà làm giúp người quá cố. Bởi từ tận đáy lòng ông: “Mình không giúp được người ta cái gì cả, chút công khâm liệm cũng là tình người với nhau”. Tôi hỏi: “Sau mỗi lần đến khâm liệm cho người quá cố, người thân họ có hậu tạ anh không?”. Ông Bé cười đôn hậu nói: “Có chứ! Hầu như ai cũng bỏ một số tiền vào bì thư đưa và tôi cũng nhận. Nhưng sau đó, tôi lại để bì thư lên bàn thờ thắp nhang cho người quá cố”. Tôi lại thắc mắc: “Tại sao anh không từ chối nhận từ đầu?”. Ông Bé phân trần làm tôi cũng cảm phục: “Tôi nhận là để cho người ta vui, không áy náy. Còn mình gửi lại cho người quá cố là thể hiện cái tình, cái nghĩa, không vụ lợi đối với những việc làm của mình”. 

Nói về những việc làm rất có ý nghĩa của ông Dương Văn Bé, già làng K’Điệp ở xã Tam Bố cho biết: “Những việc làm của anh Bé không phải ai cũng làm được. Có nhiều lúc bỏ việc nhà, nếu nghe ai gọi là anh Bé có mặt liền. Anh khâm liệm cho người quá cố rất chu đáo, cẩn thận, nên gia chủ rất cảm phục và biết ơn anh nhiều lắm!”.

24 năm làm việc không công và không nhớ nổi mình đã khâm liệm cho bao nhiêu trường hợp, nhưng lúc nào ông Dương Văn Bé cũng vui vẻ, tận tâm với việc làm của mình. Ông Bé chỉ mong sao mình có sức khỏe, để khi người ta gọi lúc nào, kể cả lúc đêm khuya hay sáng sớm, mình phải có mặt kịp thời để khâm liệm cho người quá cố.